Cảm Nhận bài NHỚ QUÊ NGOẠI và bài thơ NHỚ NGOẠI của
Nguyễn Thị Ngọc Vân, NTH NT 69, viết trong Đặc San VÕ TÁNH & NỮ TRUNG HỌC/HUYỀN TRÂN NHATRANG NAM CALI Năm 2017.
Tự Truyện Nhớ Quê Ngoại và bài thơ Nhớ Ngoại đã được Ban Biên Tập Đặc San 2017 chọn và đã đăng trong Đặc San, từ trang 331 - 339 (gồm 9 trang, và thêm bài thơ NHỚ NGOẠi, trang 340.)
Trước đây, tôi vẫn thường có định kiến nghĩ rằng các bạn nào đã học các ban A/Vạn vật và ban B/Toán thường viết văn không được hay lắm mà chỉ có những bạn ban C/văn chương, mới viết văn hay, lưu loát hơn.
Định kiến lệch lạc này đã bị phá vỡ trong những năm rất gần đây, khi tôi được tham dự trên các Diễn Đàn Hải Ngoại, tôi đã đọc được nhiều bài tản văn của các bác sĩ, dược sĩ, kỷ sư, và các bài viết đó thật hay.
Trường hợp thơ, văn của Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vân là một điển hình.
Theo tôi được biết, Ngọc Vân đậu Tú Tài 2/Ban A, thi đậu vào Đại Học Dược Khoa và trở thành Dược sĩ lúc còn rất trẻ.
Vài năm gần đây, Ngọc Vân đã làm thơ, viết văn và những bài viết của Ngọc Vân luôn để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc.
Thành thật mà nói, tôi đọc bài tự truyện NHỚ QUÊ NGOẠI với một cảm xúc thật mạnh, bởi lời văn nhẹ nhàng, đơn giản, mộc mạc, không hoa mỹ, chải chuốt nhưng Ngọc Vân viết như thể đang rút ruột, đang vắt cạn tâm can của mình, nên bài viết thật thiết tha, da diết và đầy ắp cảm xúc.
Trong văn viết, Ngọc Vân đã mô tả Mùi Nhớ của quê Ngoại một cách tinh tế bằng cả tấm lòng của người cháu xa quê:
"Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ rõ, mùi chợ cá, mùi rong biển, mùi xăng dầu, mùi hương bàng lãng đãng, mùi nắng sớm pha với mùi nước mắm thoang thoảng, mùi ngai ngái của đất bờ kè. mùi vỏ óc, vỏ sò, mùi trong veo tha thiết của đất trời, mùi thơm hấp dẫn của buổi cơm chiều Ngoại nấu..."
Viết về quê Ngoại, thật ra có nhiều điều để viết, nhưng diễn tả bằng cảm xúc của tuổi thơ thì thật khó mô tả vì quá khứ mộng mơ, đã quá xa xưa, để rồi 50-60 năm sau, phải ôn lại những kỷ niệm bên Ngoại, và viết ra bằng lời. Nhưng Ngọc Vân đã viết thật dễ dàng, thủ thỉ kể chuyện xưa một cách mạch lạc, lưu loát, lôi cuốn người đọc bằng những kỷ niệm lúc thật dễ thương, trong trẻo, sống động, lúc buồn bã, ngậm ngùi, tiếc nhớ, nghẹn ngào…Và người đọc, lần lượt trải qua nhiều cung bậc cảm xúc!
Ngọc Vân đã viết: "Mỗi lần về thăm quê Ngoại, vừa đến đầu làng, tôi đã nghe mùi nước mắm đặc trưng của làng, cái mùi đặc biệt tôi đã nghe từ thuở ấu thơ, và cho đến bây giờ, tuổi thu phai, chỉ nghĩ đến thôi, cái mùi nhớ ấy vẫn làm cho tôi nao nao cảm động!"
Thật vậy, mùi nước mắm bao giờ cũng bay thật xa, phảng phất và khoanh vùng rộng lớn. Chúng ta chỉ cần đạp xe đạp trên đường Duy Tân (nay là đường Trần Phú) đi thẳng về Hải Học Viện và trước khi đến Chụt, rẽ tay phải để đến Cửa Bé và khi vừa đến làng Cửa Bé, chúng ta sẽ nghe thấy mùi thơm của nước mắm, ngào ngạt...
Hay trên đường Nha Trang - Sài Gòn, khi vừa qua cây cầu ciment để vào thành phố Phan Thiết, chúng ta cũng sẽ nghe mùi nước mắm đặc trưng lan tỏa cả một vùng rộng lớn, trên Quốc Lộ 1.
Cảnh chợ nhỏ của làng quê Cửa Bé, đã được Ngọc Vân mô tả thật sống động , hóm hĩnh :
- " Đó là cái chợ chồm hỗm với vài bác bán hàng, đặt trước mặt, vài cái rổ đựng cá tươi, mực, ốc, ghẹ, ruốc... những cái mẹt với vài ba bó rau muống, dăm quả cà chua, dưa leo, chanh, ớt..."
-"Có người ngồi bên hai con gà đang cục tác trong chiếc lồng nan, và những cái nơm bắt cá.... Có cô vừa bán hàng, vừa thoải mái cho con bú. Thằng bé bú mẹ no nê, ngủ ngon lành..."
Tuy là chợ nhỏ nhưng cũng tấp nập: - " cả chợ xì xào con ông Hai cuối xóm vừa bị bắt vì ăn cắp gà, hay chị Bảy ở gần bến đò mới bị đánh ghen..."
Rồi những câu: “ chúng tôi hăm hở ngồi xuống những băng ghế thấp lè tè, thèm thuồng…bánh được phết mở hành xanh rượm và những tóp mở thơm dòn…”, gợi lên cho chúng ta hình ảnh thật dễ thương của đám trẻ con đang lao nhao vây quanh cô bán bánh căn, thòm thèm nhìn những chiếc bánh nóng hỗi, thơm phức vừa ra lò.
Bối cảnh làng quê Cửa Bé thời xa xưa, khi làng mạc còn hoang sơ, chưa phát triển lắm, Ngọc Vân viết: "Quê Ngoại tôi ở Cửa Bé. Đó là một làng chài hiền hòa, nhỏ bé cách Nha Trang khoảng bảy cây số. Dân làng ở đây sống bằng nghề đánh cá, làm nước mắm, bắt ốc, mò cua...”
Cửa Bé là một làng quê nghèo, bên cạnh thành phố Nha Trang, một thành phố được định danh đứng vào bậc nhất nhì tại miền Trung. Cách diễn tả của Ngọc Vân làm tôi nhớ đến thơ của Tế Hanh:
"làng tôi ở vốn nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền ra đánh cá..."
Trong tiềm thức Ngọc Vân luôn chan chứa niềm thương cảm dành cho quê Ngoại. Và niềm thương nhớ ấy, man mác trong “mực khô, cá khô nướng, ngào ngạt món cá kho tộ thơm nức mũi, món canh chua đậm đà hương vị quê nhà, với từng lát cá thu tươi ngọt, chấm với nước mắm nhĩ dằm ớt xanh cay sè lưỡi...” làm cho ta bỗng nhớ về cố hương xa vời vợi và cũng thấy lòng se sắt nhớ thương.
Có lẽ, sự tha thiết chân thành trong suốt bài văn và thơ Ngọc Vân đã làm lan tỏa cảm xúc đến người đọc một cách tự nhiên và sâu sắc:
"Nhớ cá kho tộ, ngạt ngào gọi mời,
Nước mắm nhĩ, ớt xanh cay sè lưỡi,
Bát canh chua, thổi hồn quê chơn chất,
Bữa cơm Ngoại nấu, con nhớ suốt đời!"
Ngọc Vân quê ở Nha Trang, quê ngoại của Ngọc Vân ở Cửa Bé.
Tuổi thơ của tác giả thật phong phú và hồn nhiên với những trò chơi của trẻ con, chơi u mọi, trốn tìm, banh đũa, lò cò…được nô đùa trong cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hoang sơ của quê Ngoại:
"Gió mát rười rượi, chúng tôi chơi đùa say sưa, ngịch ngợm rượt đuổi nhau, những đôi mắt thơ ngây, những tiếng cười nắc nẻ, áo quần, mặt mũi đứa nào cũng lấm lem đất cát. Trời chiều, ánh mặt trời đỏ rực làm mây trời và những mái tóc của chúng tôi ửng hồng.".
Với vài nét chấm phá tài tình, Ngọc Vân đã gợi lên những hình ảnh lung linh, nên thơ, đẹp như tranh vẽ , và ta có thể cảm nhận được ở Ngọc Vân, một trái tim rộng mở, đa cảm, dịu dàng, yêu thiên nhiên, yêu quê hương, yêu cái đẹp:
“Tôi mơ thấy mình tắm sông cùng các chị em họ, nghịch ngợm vung nước vào nhau. Những giọt nước mát lạnh và trong veo như bầu trời xanh diễm ảo. Tôi ngửa cổ nhìn những cánh cò trắng lượn lờ trên cao, người tôi nhẹ lâng lâng như những đám cỏ lau trắng phất phơ trong nắng trên đồi bên kia sông. Gió mát rười rượi, hương đất trời lan tỏa và tôi bay bổng, thênh thang…”
Chữ nghĩa Ngọc Vân diễm ảo như khói sương, đủ để làm say lòng người lữ thứ: “ Đó là mùi hương của quê Ngoại, một mùi rất nhớ đã thấm đẫm trong tâm khảm tôi như một thứ tình tự quê hương tuôn chảy dạt dào, luôn làm tôi cảm động, ngậm ngùi!”.
Kể về gia đình bên Ngoại, Ngọc Vân đã viết:
"Ông Ngoại tôi làm chức Tri Hương của làng, Ông thích chơi đàn kìm”…
"Cậu Ba, cậu Sáu, cậu Tám và Má tôi được sinh ra trong không gian thơ mộng hữu tình tích tịch tình tang, với dòng sông hiền hòa, với trăng, với gió, với hương thơm hoa cỏ trong vườn”...
Trong bài viết có kể cậu Ba, trong một đêm ở lại Phú Lộc, ngoài bến sông, bốn bề vắng lặng, sông nước mênh mông, bỗng nghe tiếng đàn bầu não nuột của ông lái đò, cậu xúc động rơi lệ và mê mẫn tiếng đàn bầu từ đó. Khi về đến nhà tại Cửa Bé, cậu Ba quyết học cho được đàn bầu. Và cũng nhờ cây đàn bầu mà cậu Ba của Ngọc Vân, rước được người trong mộng về nhà và cô con gái ở Bình Tân trở thành mợ Ba của Ngọc Vân.
Cậu Sáu là thày giáo của Cửa Bé và các làng lân cận. Cậu không chơi đàn nhưng nổi tiếng ở làng về tài xử kiện phân minh, công bằng.
Cậu Tám chơi đàn tài tử rất nổi tiếng ở làng. Má Ngọc Vân rất thích đọc sách và biết chơi đàn tranh.
Bà Ngoại Ngọc Vân, một phụ nữ tháo vát, giỏi giang, chịu thương chịu khó, chồng mất sớm, bà vẫn son sắt thờ chồng, một mình nuôi dạy các con nên người, vừa quán xuyến, phát triển nghề làm nước mắm truyền thống của gia đình, vừa lo việc giao dịch mua bán nước mắm ở các tỉnh miền Trung.
Yêu chồng, Bà cũng yêu tính cách tài tử nghệ sĩ của chồng, Bà Ngoại Ngọc Vân cũng thuộc làu những khúc dân ca, điệu lý, câu hò... Bà cũng yêu âm nhạc như các con và luôn khuyến khích các con yêu nghệ thuật . Một Bà Ngoại quê luôn tất bật, bận rộn, vẫn có được những khoãnh khắc mơ mộng, rung cảm với âm nhạc:
“ Ngoại dịu dàng xoa đầu tôi. Ngoại hát cho tôi nghe những điệu dân ca trữ tình, mộc mạc, và tôi bồng bềnh trong những giấc mơ êm ái tuyệt vời...", hay: “ Ngoại mua cây đàn guitar đem về tặng con”…
Tôi thầm nghĩ, thật lạ lùng! Vào những năm tháng rất xa xưa( khoảng 1930), giữa một làng quê nghèo bé nhỏ, lại có một gia đình thật đặc biệt khác người, với những thành viên có tâm hồn nghệ sĩ, dù ban ngày bận rộn lo sinh kế gia đình, nhưng họ vẫn sống thật vui vẻ, hạnh phúc chan hòa, tâm hồn thảnh thơi, đêm đêm, họ cùng dạo đàn, ca hát dưới ánh trăng thanh, trải lòng cùng sông nước hữu tình…Một gia đình nghệ sĩ, thật phong lưu, tao nhã!
Tôi vô cùng ngưỡng mộ Bà Ngoại của Ngọc Vân, người Bà giỏi giang tuyệt vời, đã giữ gìn nề nếp gia đình, dạy dỗ các con chu đáo, và chỉ một lần đến thăm gia đình và gặp Bà cùng cô con gái út, mà quan Phủ thành Diên Khánh – Nha Trang đương thời là ông Nguyễn Ngọc Huỳnh ( sau này là Ông Nội của Ngọc Vân) đã đồng ý kết thông gia cùng gia đình Bà. ( Bài viết Má và Tuổi Thơ Tôi đăng trong ĐS VT-NTHNT 2015).
Ngọc Vân viết, lời văn, thơ rất mộc mạc, giản đơn nhưng chứa chan tình cảm, gợi cho tôi liên tưởng đến dáng Ngoại tôi, tựa cửa trông đàn con cháu, chiều tan học, tôi muờng tuợng đuợc chiếc áo vải thô màu đọt chuối, đôi vai gầy, mái tóc bạc phếu, vẻ sốt ruột bồn chồn của Ngoại khi chiều dần tối mà bóng dáng lũ con cháu chưa về... Từng nhịp đập bồi hồi!
Nữ sĩ viết:
"Ngoại hay nằm võng, có khi ngồi trước hiên nhà, ngó mông lung phía trước, xa xa bờ núi bên kia, nơi an táng các cậu. Dòng sông mờ mờ sương tỏa, hắt bóng chiều tím ngắt từ đồi bên kia, dáng Ngoại cô đơn, buồn hiu hắt như cây dương trước sân nhà”.
Thật xót xa khi ta cảm nhận được nỗi đau của người mẹ mất con, “tre già khóc măng non”, nỗi nghẹn ngào, u uất mà ban ngày Ngoại phải nén vào tim, và đêm đêm, Ngoại lại khóc lẽ loi một mình:
"Ngoại nằm trên võng, nén tiếng thở dài,
Hoàng hôn tím ngắt níu sầu trần ai.
Bên sông sương tỏa, nghìn thu hun hút,
Chạm vào bờ đau, số kiếp an bài!"
Tôi thật cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của Ngọc Vân dành cho Bà Ngoại:
"Tôi chải mái tóc bạc phơ của Ngoại, xoa lưng, đấm bóp cho Ngoại và thật xót xa khi thấy Ngoại gầy gò quá."
“ Tôi quay sang ôm hôn Ngoại với niềm cảm kích vô bờ và tôi đã âu yếm nói với Ngoại: Ngoại ơi, con thương Ngoại lắm.”
Hình ảnh cô cháu gái “ tay xách năm lít nước mắm nhĩ và nồi cá thu kho, gói quà nặng trịch của Ngoại, vừa đi vừa khóc thút thít,” và khi ngoái lại nhìn thấy Ngoại vẫn đứng ở thềm nhà, kéo tay áo lau nước mắt, cô cháu cũng “nước mắt ràn rụa, trái tim se thắt” đã làm cho tôi vô cùng xúc động! Đó là lần cuối cùng Ngọc Vân gặp Ngoại vì năm sau Ngoại qua đời!
Nỗi niềm nhớ thương Ngoại, là những viên sỏi se sắt trong khe nhớ của những khoảnh khắc, lăn mòn trong ký ức suốt quảng đuờng của đời thuờng. Thân phận con nguời như chiếc lá bay qua cõi tạm, đến một ngày chỉ còn lại sự im lìm tịch liêu! Nữ sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vân đã đưa chúng ta đến với nỗi ngậm ngùi:
"Giờ này, chỉ còn trơ trọi bóng tôi với vệt nắng trưa buồn bã! Đời người phù du, những người thân yêu nhất của tôi đã về với cát bụi hư vô từ lâu..."
Tuy xa cách, mỗi người mỗi cõi, nhưng Ngọc Vân vẫn còn hoài mong, luyến tiếc:
"Ngoại ơi, con nhớ Ngoại!”
Những vần thơ chợt đến, như những nén hương lòng Ngọc Vân muốn kính dâng Ngoại:
"Công ơn Ngoại, tựa non cao biển rộng,
Ở trên trời, mong Ngoại được thong dong,
Hết trăm năm, rồi cũng lại bắt đầu,
Tiếng chuông chùa, vọng bên thềm sắc không...”
Bài thơ 'Nhớ Ngoại' là một tuyệt tác. Khi đọc thơ, hay nghe tiếng hát thanh thoát, truyền cảm thiên phú của Ngọc Vân, tôi nghe như có tiếng vọng kỳ ảo của dòng sông quê hương, nỗi xao xuyến nhớ nhà, nhớ quê, nhớ tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên, có nỗi đau xót , đắng cay của người Mẹ già nhớ con, có tiếng chuông chùa ngậm ngùi vọng bên thềm sắc không...
Có có, không không! Có rồi không! Không rồi có! Vô thường là vậy, là thế đó!
Nữ sĩ thuờng làm thơ về Ngoại, về Mẹ... trăn trở, xót xa với cuộc đời lận đận của Ngoại và của Mẹ, những người phụ nữ cao quý, hy sinh cả tuổi xuân của mình để nuôi dạy các con thành người.
Tôi thấy vầng trán nhà thơ thật cao, với đôi mắt sáng tự tin của một Dược sĩ năm xưa đã trải qua quá nhiều gian lao trong đời thuờng, và nơi trú ẩn bình an nhất, hạnh phúc nhất, vẫn là dòng sông Mẹ, là vòng tay Ngoại chở che.
Thơ Ngọc Vân làm tôi cũng nếm mềm nỗi nhớ, nhớ Mẹ, nhớ Ngoại của tôi.
Cám ơn nhà thơ Ngọc Vân, đã viết giùm tâm sự của tôi và cũng có thể cho nhiều nguời khác, khi tuổi già, ngồi nhớ người Mẹ giờ đã nghìn trùng xa cách!
Thơ của Nguyễn Thị Ngọc Vân đã được các nhạc sĩ thành danh tại hải ngoại như: Cung Đàn, Vĩnh Điện phổ nhạc rất nhiều. Tôi không ngạc nhiên về điều này vì trong thơ của Ngọc Vân đã có sẳn giai điệu trầm bỗng của nhạc rồi.
Bài hát Nhớ Ngoại, với những từ ngữ rất bình dị, đời thường như “ cá kho tộ, nước mắm nhĩ, bát canh chua…”, nhưng qua tiếng hát tuyệt vời của Ngọc Vân, nghe thật du dương, tha thiết đến nao lòng!
Ngoài ra, các bài viết của Ngọc Vân, cũng đuợc các nhà văn tên tuổi của hải ngoại như Phạm Tín An Ninh, Người Xứ Vạn Nguyễn văn Sanh cùng nhiều giáo sư Ngọc Dung, Túy Trúc, Phương Lan... khen ngợi.
Những dòng Giao Cảm của độc giả chia sẻ Thơ Ngọc Vân... đã nói lên chỗ đứng nhất định của nhà thơ Ngọc Vân, trên Diễn Đàn Hải Ngoại..
Tôi trầm ngâm thả hồn mình theo từng giai âm với nỗi thương nhớ, bùi ngùi như xoáy vào tim tôi. Thơ, văn Ngọc Vân thật hay, bình dị nhưng vẫn nghe thanh thoát , trữ tình và dạt dào cảm xúc, cùng tiếng hát êm ái, nhẹ nhàng như hơi thở, sao lại làm mắt tôi cay sè?
Tôi đã nghe đâu đó có tiếng chập chùng duới đáy ly cà phê buổi sáng vừa thức dậy./-
Duy Xuyên
Tacoma
26-10-2017
No comments:
Post a Comment