Đọc bài thơ Thu Tương Tư của Nhà Thơ Tố Anh, cựu nữ sinh Trường Nữ Trung Học Huyền Trân Nha Trang - NTHHT 74 Bài thơ Thu Tương Tư đã được Post trên Diễn Đàn Văn Nghệ Tự Do ngày 12 tháng 10 năm 2017.
Tôi thiết nghĩ khi đề cập đến các nhà thơ nữ của Trường Nữ Trung Học Huyền Trân Nha Trang mà không đề cập đến những tên tuổi khác như Trân Châu, Lê Thị Hoài Niệm, Song Phượng, Kim Hiến, Tố Anh ... cũng là một điều thiếu sót, bởi vì tất cả những Nhà Thơ, Nhà Văn có tên nêu trên là những tác giả đã thành danh trên con đường Văn Học Nghệ Thuật ở Hải Ngoại. Tôi sẽ tìm đọc lại những bài viết của Lê Thị Hoài Niêm, Kim Hiến và Trân Châu để trình quý độc giả khi thời gian thích hợp.
Riêng hôm nay tôi mới vừa đọc được bài Thơ Thu Tương Tư của Tố Anh với một cảm xúc thật dồi dào...xúc động.
Kính mời quý độc giả thưởng thức bài thơ THU TƯƠNG TƯ của Tố Anh sau đây:
Mây thu lơ lửng ngang trời,
Gió thu nhè nhẹ ru hời cỏ cây,
Nắng thu đã ngả về tây,
Hồ thu liễu rủ gợi đầy nét thơ.
Trăng thu dẫn lối vào mơ,
Mộng thu thức giấc ngác ngơ bàng hoàng,
Sương thu còn đọng chưa tan,
Lá thu nhuốm đổi lên vàng không hay.
Mưa thu từng hạt bay bay,
Trời thu cảnh vật đổi thay sắc màu,
Vườn thu lá bỗng nghiêng chao,
Tiếng thu đâu đó làm xao xuyến lòng.
Mắt thu buồn mỏi chờ trông,
Lệ thu nhòa nhạt phấn hồng vì đâu?
Dáng thu đẹp nét u sầu,
Tóc thu huyền ảo ngã đầu nhớ thương.
Nghìn thu lá đổ vấn vương,
Đời thu nuối tiếc nên tương tư hoài.
Tố Anh
Bài thơ Thu Tương Tư của Tố Anh được viết theo thể thơ Lục Bát (câu 6 - câu 8 chữ.)
Thơ được viết thành 18 câu Lục Bát với 4 khổ thơ và 2 câu kết gồm 126 chữ.
Tôi muốn nói, chỉ chừng ấy chữ nghĩa, mà Nhà Thơ Tố Anh đã chuyển tải được cả một tấm lòng thật "Thu" vừa đơn giản vừa tha thiết như tôi đã tìm thấy bóng dáng của một nàng thơ mang cả nỗi sầu, để ngày ngày nhìn lá thu rơi, có gió heo may vờn nhẹ cỏ hoa, có nắng hoe vàng trong vườn thu, có mây thu lơ lửng ngang trời, bên hồ có liễu rủ....
Chỉ chừng ấy ngôn từ, mà nhà thơ đã cho ta thấy cả một trời thu ảm đạm, có mây thu, trăng thu, sương thu, có lá thu đổi màu vàng, có mưa thu từng hạt rơi, có lá thu bay nghiêng chao trong gió, có dáng dấp người con gái đẹp nét ưu sầu, lại có tóc thu huyền ảo... Cảnh trí của mùa thu, được mô tả thật đầy đủ từng chi tiết kể cả những sợi tóc đang bay trong nắng thu về, làm cho cảnh vật thật vô cùng sống động một cách lạ thường.
Tôi thường tìm đọc những bài thơ của Tố Anh trên nhiều và rộng khắp các diễn đàn. Thơ Tố Anh có một chỗ đứng nhất định trong văn học nghệ thuật thi ca Hải Ngoại, nhất là một chỗ đứng riêng biệt trong Văn Bút Hải Ngoại ngày nay, vì lẽ thơ của người nữ sĩ này thật đơn giản nên dễ đi vào hồn của mọi người.
Chữ nghĩa của Tố Anh rất mộc mạc, nụ cười hài hòa thân quen như cận kề, không có khoảng cách cho tất cả mọi người trong Văn Nghệ Tự Do.
Ngôn ngữ Tố Anh đã dùng tuy bình dị, dễ hiểu nhưng nó đã bao hàm sắc thái không phải là 'đời thường' mà là tiếng thơ:
"Vườn thu lá bỗng nghiêng chao,
Tiếng thu đâu đó làm xao xuyến lòng".
Hồn thơ thật chất phát với những từ ngữ lơ lửng, nhè nhẹ, ru hời cỏ cây, đã ngả về tây, dẫn lối vào mơ...
Những từ ngữ rất thật thà, không trau chuốt nhưng khi đã được nhà thơ ghép vào vần, thì quả là những câu thơ tuyệt tác dễ đi vào hồn người, nên thơ của Tố Anh đã được nhiều nhạc sĩ tài danh như Cung Đàn, Hoàng Cầm, Linh Phương, Linh Mục Si Tình (LMST), Quỳnh Chi, Thuỵ Lữ phổ nhạc.
Sự khắc khoải, vu vơ và lãng mạn của nhà thơ đã đưa hồn mình vào mỗi chiều để ngắm:
"Mưa thu từng hạt bay bay,
Trời thu cảnh vật đổi thay sắc màu" ...
Nhà thơ đã hốt cả mùa Thu vào hồn mình; cho ta có cái cảm giác thu về, lá rụng, có mây trời tím, để lòng ta cũng mang nỗi sầu, để hồn mọi người sẽ phải tái tê theo gió thu về.
Tôi không biết làm thơ, nên không dám bình thơ của nữ sĩ Tố Anh mà tôi chỉ diễn tả với nỗi niềm của người đọc, với nhớ nhung của người Lính năm nào, đã liếm từng giọt sương trên những lá thu mà nghe hồn về trong cõi mộng bâng khuâng, với :
"Dáng THU đẹp nét ưu sầu,
Tóc THU huyền ảo ngã đầu nhớ thương."
Tố Anh có cách làm thơ riêng biệt cho chính mình và vì cái riêng của Tố Anh đã dành một chỗ đứng rất khác biệt với mọi người:
" Mắt thu buồn mỏi chờ trông,
Lệ thu nhoà nhạt phấn hồng về đâu?"
Thơ Tố Anh rất phong phú, chữ nghĩa bình dị như tâm tình của nữ sĩ.
Ngôn ngữ rất dễ thương, đa cảm, dịu dàng như giòng sông Cái thơ mộng của quê hương thuỳ dương cát trắng.
Đọc áng thơ Thu Tương Tư của Tố Anh, tôi thấy tình cảm của nữ sĩ đã dành cho ai đó sao mà thiết tha quá.
Có lẽ đó là lời thề ước của Tố Anh với chàng Thương Anh? Tự nhiên tôi thấy như quen biết từ lâu bởi những lời thơ thành thật của Nhà Thơ Tố Anh đã chiếm trọn cảm tình của người đọc, nhất là ở cuối bài thơ nữ sĩ đã viết:
"Nghìn thu lá đổ vấn vương,
Đời thu nuối tiếc nên tương tư hoài."
Ôi! còn lời nào thành thật và chân tình hơn câu thơ nói trên. Cho phép tôi nghiền ngẫm, ngấu nghiến, nuốt trọn từng lời thơ, ý thơ của Tố Anh vào chính ngăn tim tôi. Tôi hy vọng nhạc sĩ Cung Đàn khi đọc bài thơ thật hay này, sẽ phổ thành nhạc cho Tố Anh vì bài thơ này tự nó đã tiết lên những âm giai cung điệu của nhạc, có cô nữ sinh Huyền Trân nghiêng nón thì thầm ca tụng thu về trong khoảnh khắc.
Trong thơ Tố Anh đã tạo được nhạc điệu. Thơ Tố Anh, chữ nghĩa thật chập chờn tạo được nhạc trong thơ. Đọc thơ mà nghe mình mênh mông dập dình theo thơ làm cho ta đã tải được hồn trong thơ. Thơ của Tố Anh có hồn, nên được xếp vào thơ hay. Tố Anh làm thơ hay không phải là chuyện làm cho chúng ta ngạc nhiên vì thơ của nhà thơ này đã chất chứa cả mùa thu huyền ảo trong trái tim nữ sĩ:
Từ ngữ rất dễ thương, tuy không nói ra nhưng "tóc thu, mắt thu, dáng thu, lệ thu nhòa nhạt phấn hồng từ đâu?" như chính nàng THU đang tương tư trong niềm thương nỗi nhớ. Dòng Thơ Thu Tương Tư thật vô cùng lãng mạn, triền miên trong nỗi nhớ, khoắc khoải đợi chờ mà tâm hồn nữ thi sĩ thênh thang, cuốn theo những đám mây thu màu tím, rồi vỡ vụn đâu đó đọng lại thành rêu xanh, để thành mưa thu từng hạt bay bay trong cõi vô cùng, oà vỡ để rồi một sáng mùa thu thức giấc ngác ngơ bàng hoàng. Hoang đường từ đó!
Thơ Tố Anh đưa ta đến những chân trời tím, có tóc của người yêu rủ bên cành liễu xanh, trong thi ca vô cùng lãng mạn nhưng nhà thơ Tố Anh đã biết dùng lý trí để kiềm hãm những cảm xúc tuôn trào như sóng vỗ tràn bờ rồi dừng lại trong khoảnh khắc để cho ta trở về với thi ca cổ điển mà nữ sĩ luôn là người đại diện cho Văn Học Lãng Mạn và luôn có hoài niệm Cổ Điển trong thi ca nước Việt.
Duy Xuyên
Tacoma
12/10/17
No comments:
Post a Comment