Tuesday, October 31, 2017

Căn hầm bí ẩn đằng sau khuôn mặt của 4 tổng thống Mỹ

Căn hầm bí ẩn đằng sau khuôn mặt của 4 tổng thống Mỹ



Căn hầm bí ẩn đằng sau khuôn mặt của 4 tổng thống Mỹ
Chân dung 4 tổng thống trên núi Rushmore là một biểu tượng của Mỹ. Nhưng ít ai biết, đằng sau là 1 căn hầm chưa hoàn thành, vốn được dự định làm nơi lưu trữ những tài liệu quý giá. 

Ngày 31/10/1941, sau 14 năm nỗ lực, tác phẩm điêu khắc gương mặt của bốn vị tổng thổng Mỹ - George Washington, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln và Theodore Roosevelt trên mặt phía Đông Nam của núi Rushmore, cuối cùng đã hoàn thành.
Nhưng còn một công trình của nhà điêu khắc Đan Mạch – Mỹ Gutzon Borglum bị bỏ dở và vẫn luôn ẩn giấu đằng sau vầng trán vĩ đại của Lincoln.
Căn hầm bí ẩn đằng sau khuôn mặt của 4 tổng thống Mỹ - Ảnh 1.
Tạc vào vách đá granite vững chắc của một khe núi nhỏ phía sau bốn tổng thổng là một ngưỡng cửa cao 5,5 mét, tương tự lối dẫn vào ngôi mộ cổ của một pharaoh Ai Cập.

Trong bộ phim "Kho báu quốc gia: Cuốn sách tối mật", nhân vật của Nicholas Cage đã phát hiện lối vào thành phố huyền thoại bằng vàng bên trong một hang động ở núi Rushmore. Thực tế, không có căn hầm nào giàu có đến vậy ở đây.
Bất kỳ ai bước qua ngưỡng cửa sẽ tìm ra một căn phòng trống dài khoảng 23 mét, trần cao xấp xỉ 11 mét. Những lỗ được tạo bởi búa khoan trên tường, vốn dùng để đặt thuốc nổ, tạo thành hiệu ứng tổ ong. Những con số màu đỏ, có lẽ do Borglum vẽ lên, đưa ra chỉ dẫn cho việc loại bỏ các tảng đá.
Căn hầm bí ẩn đằng sau khuôn mặt của 4 tổng thống Mỹ - Ảnh 2.
Borglum đã có kế hoạch cho căn hầm chưa hoàn thiện này. Ông tuyên bố ý nghĩa tác phẩm của mình không phải để cho thế hệ đương thời mà dành cho các nền văn minh tương lai và cả các du khách liên hành tinh sau hàng ngàn năm nữa.

Nhà điêu khắc đã viết: "Bạn có thể gửi một bức thư vào dịch vụ bưu chính thế giới mà không ghi địa chỉ hay ký tên, cũng như gửi ngọn núi được tạc khắc này vào lịch sử mà không xác định".
Ngày này, bạn dễ dàng nhận ra bốn gương mặt trên núi Rushmore, nhưng Borglum nghĩ rằng một ngày nào đó họ sẽ trở nên bí ẩn như Stonehenge. Ông than thở: "Mỗi nền văn minh thành công sẽ lãng quên thứ đi trước nó"
Kế hoạch ban đầu của nhà điêu khắc là một bia khắc khổng lồ có hình dạng Vùng đất mua Louisiana, liệt kê chín trong những sự kiện quan trọng nhất lịch sử nước Mỹ từ năm 1776 đến năm 1906.
Căn hầm bí ẩn đằng sau khuôn mặt của 4 tổng thống Mỹ - Ảnh 3.
Tuy nhiên, ngay cả với kích cỡ có tính thiên văn học nhất, cũng không dễ dàng đọc được các dòng chữ từ khoảng cách rất xa. Cuối cùng, người ta nhận thấy phần ngọn núi này cần thiết dành cho chân dung Lincoln.

Borglum bỏ những dòng chữ, thay vào đó là kế hoạch xây dựng một kho lưu trữ sâu trong lòng núi, cất giữ một số hiện vật và tài liệu quý giá nhất nước Mỹ, ví dụ như bản Tuyên ngôn Độc lập.
Ông đã hình dung đến một cầu thang lớn, dài gần 244 mét kéo lên núi Rushmore dẫn đến một căn hầm vinh quang có tên "Đại sảnh tài liệu".
Căn hầm bí ẩn đằng sau khuôn mặt của 4 tổng thống Mỹ - Ảnh 4.
Borglum đã viết: "Trong căn phòng này, những tài liệu mà chúng ta khao khát và những gì họ đã đạt được phải được thu thập. 
Và trên các bức tường của căn phòng đó phải có một phần những tài liệu định nghĩa về nền cộng hòa của chúng ta; những thành phẩm của nó; hồ sơ quá trình mở rộng về phía Tây đến Thái Bình Dương; những vị tổng thống; cách các công trình tưởng niệm được xây và sự thành thực".
Du khách đến Đại sảnh tài liệu sẽ đi qua một cánh cửa kính lớn, trên đó đặt con đại bàng bằng đồng có sải cánh rộng 11,6 mét và dòng chữ "Bước tiến của nước Mỹ".
Một thập tự giá chỉ hướng sao Bắc Đẩu gắn trên trần nhà hình vòm, những trụ gạch trên tường miêu tả "chuyến phiêu lưu của nhân loại thám hiểm và chiếm lĩnh thế giới phía Tây".
Ngoài ra còn một bản khắc được viết bởi John Edward Bradley, người đã chiến thắng một cuộc thi quốc gia, sẽ kể chi tiết lịch sử nước Mỹ từ thời điểm thành lập đến khi xây dựng kênh đào Panama.
Những tủ bằng đồng và kính trong các hốc của căn hầm kích thước 24 x 37 mét sẽ giữ các tài liệu như Hiến pháp Mỹ. Sẽ có cả tượng bán thân của hơn 20 người Mỹ nổi tiếng, từ Benjamin Franklin, John Hancock đến Alexander Graham Bell và anh em nhà Wright.
Căn hầm bí ẩn đằng sau khuôn mặt của 4 tổng thống Mỹ - Ảnh 5.
Tháng 7/1938, công nhân bắt đầu cắt đá trên vách phía bắc của một khe núi nhỏ bị che khuất bởi những gương mặt tổng thống, để xây dựng thánh địa nước Mỹ của Borglum.

Tuy nhiên, sau một năm thi công, chính phủ liên bang đã thắt chặt ngân sách, bao gồm tất cả chi phí xây dựng tượng đài, và yêu cầu Borglum ngừng xây dựng Đại sảnh tài liệu, tập trung toàn bộ trí lực vào hoàn thiện chân dung các tổng thống
Tháng 3/1941, bảy tháng sau đó, nhà điêu khắc Gutzon Borglum qua đời ở tuổi 73. Con trai ông là Lincoln kế tục chỉ đạo nỗ lực để hoàn thành tượng bốn vị tổng thống. Đài tưởng niệm quốc gia Rushmore được coi như đã hoàn thiện, mặc dù công trình cuối cùng của Borglum – Đại sảnh tài liệu vẫn bỏ dở.
Niềm hy vọng của Borglum về căn hầm này ít nhất được thực hiện một phần vào ngày 9/8/1998. Bốn thế hệ của gia đình ông đã tập hợp trong căn hầm 16 bản sứ các văn bản như Tuyên ngôn Độc lập, tiểu sử nhà điêu khắc và công trình chính của ông, lịch sử xây dựng đài tưởng niệm và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Tất cả được đặt trong một hộp gỗ tếch và phủ titanium, được chôn xuống đất và đặt dưới một tấm đá granite đen nặng 545 kg có trích dẫn câu nói của Borglum năm 1930, khi hoàn thành phần tượng Washington.
Con gái của Borglum, bà Mary Ellis nói: "Đó là sự kết thúc của công trình sáng tạo trên núi Rushmore như cha tôi từng thấy".
Là một phần của đài tưởng niệm nổi tiếng, nhưng ít người có thể nhìn thấy nó. Xuất phát từ an toàn và lo ngại an ninh, du khách bị cấm leo núi để đến thăm căn hầm còn dang dở này.



YÊU THƠ ...NỬA ĐÊM.

YÊU THƠ ...NỬA  ĐÊM.

Trồi lên sụt xuống với người mơ.
Cố họa cho nhanh, xướng bất ngờ.
Niêm- luật -xoay- từ, râu tóc rối.
Trắc- bằng- đão-vận, mắt tai mờ.
Lòng vòng bôi, quẹt : "..gà còn nhỏ..".
Hì hục xóa, cào : "trống vẫn tơ".
Hớn hở làm xong xòe cánh ngáy.
Sáng này xem lại : " Cóc... bài thơ !"

Tòng Nguyễn (  Đinh Dậu-2017)

Trải nghiệm của một bà mẹ bước ra khỏi 'gia đình' của con trai mình

Có người đặt ra câu hỏi:“Cha mẹ sinh con để làm gì? Để có người nối dõi tông đường hay có người chăm sóc khi về già?”Có rất nhiều câu trả lời khác nhau...
Tôi là một người mẹ 57 tuổi đã nghỉ hưu, còn con trai tôi năm nay 31 tuổi.
Khi tôi bắt đầu về hưu cũng là lúc con trai lập gia đình. Đối với vợ chồng tôi, nó luôn là viên ngọc quý được chúng tôi nâng niu chăm bẵm; bởi vậy khi con thành thân, một cách rất tự nhiên tôi thấy mình có trách nhiệm chăm sóc tổ ấm mới này.
Ban đầu tôi hy vọng chúng sẽ về ở với vợ chồng tôi, nhưng ông nhà lại cho rằng“hai đứa cần có không gian riêng để tự lập”. Thế nên, để tiện chăm sóc các con chúng tôi dọn tới khu dân cư gần nhà con đang sống. Và cứ đều đặn, mỗi sáng tôi chạy qua nhà giúp bọn trẻ chuẩn bị đồ ăn và dọn vệ sinh, chiều đến thì nấu bữa tối và lại đợi tới khi hai vợ chồng nó đi ngủ tôi mới về nhà mình.
Cuộc sống của tôi cứ êm đềm trôi qua như vậy, cho đến một ngày…
Hôm ấy, tôi dậy sớm đi chợ mua thức ăn mang tới nhà con, nhưng khi đến nơi lại không thể mở cửa để vào nhà. Không phải tôi mang nhầm chìa khóa, mà đơn giản là con dâu đã thay ổ khóa khác.. Tôi phải gọi mãi con dâu mới ra mở cửa và giải thích:“Gần đây toà nhà xảy ra nhiều vụ trộm, nên…”
Tối hôm đó con trai qua nhà đưa cho tôi chiếc chìa khóa mới. Lúc ấy, trong tâm tôi có đôi chút khó chịu, nhất là khi con trai tôi nói nhỏ:“Mẹ đừng để vợ con biết nhé!”. Tôi hiểu rằng sự việc không còn đơn thuần như tôi nghĩ lúc trước.
Ngày hôm sau, tôi tới nhà con trai sớm hơn mọi ngày với lỉnh kỉnh đồ ăn thức uống. Vừa tới cửa tôi nghe tiếng tranh luận vọng ra:“Chắc chắn là anh đưa chìa khóa cho mẹ rồi, phải không?”
Rồi một tràng những lời phàn nàn của con dâu vang lên sau cánh cửa, khiến tôi đứng mãi như trời trồng. Thật chẳng ngờ tất cả công sức và tình yêu thương mà người mẹ chồng như tôi đã dành cho chúng lại được đền đáp bằng những lời chỉ trích nặng nề như vậy. Và làm tôi thấy chua xót hơn, đó là con trai tôi chỉ biết ậm ừ rồi trả lời rằng:“Đó là mẹ anh, em bảo anh phải làm thế nào?”
Tôi lủi thủi xách túi thức ăn thẫn thờ quay trở về. Nhìn thấy ông nhà, tôi tủi thân đến mức nước mắt lưng tròng:“Ông à, sao tôi cực quá vậy? Nó là con trai duy nhất của tôi, tôi toàn tâm toàn ý lo cho chúng từ bữa ăn tới giấc ngủ, vậy mà cái tôi nhận được lại là thế này đây, tôi đã làm gì sai hả ông?”
Ông nhà chỉ bật cười rồi vỗ nhẹ vào vai tôi:“Thật là mấy đứa trẻ không hiểu chuyện, bà cứ để đó có dịp tôi sẽ nói chuyện với chúng. Mà bà này, bà thử nhìn những người bạn già của chúng ta xem, có mấy ai như bà không? Họ đều thong dong tự tại, gần thì đi thăm thú các tỉnh thành, xa thì ra nước ngoài du lịch. Còn bà cả ngày chỉ loanh quanh chợ búa, lọ mọ cơm nước cho con cái, vì chúng mà tôi với bà đã lạc hậu so với những người bằng tuổi rồi đấy”.
Ảnh minh họa. Dẫn theosamnam.vn
Từng lời của chồng như cơn mưa mùa hạ khiến tôi bừng tỉnh. Chẳng lẽ tôi lại không muốn ra ngoài du lich thăm thú đó đây hay sao? Nghĩ vậy, tôi gật đầu đồng tình với ông.
Sau đó, ông nhà sắp xếp đưa tôi tới vùng thảo nguyên rộng lớn nghỉ dưỡng vài ngày. Ông còn dẫn tôi tới thăm trang trại dê và bò sữa. Được tận mắt chứng kiến quá trình dê mẹ sinh con và cho con bú, tôi bất giác thấy xúc động nghẹn ngào.
Chồng tôi vừa nhìn vừa chỉ vào đàn dê đang gặm cỏ.“Dân du mục quanh năm đều di chuyển từ chỗ này tới chỗ khác.Nếu như dê mẹ cũng giống như bà, việc gì cũng không thể buông tay thì dê con sao có thể sống nổi?Hơn nữa, có ai muốn được gả cho chú dê còn chưa cai sữa về tinh thần không?”
Tôi quay sang, thấy ông nhà cười một cách đầy ngụ ý, chỉ một câu nói của ông đã giúp tôi hiểu ra rất nhiều điều.
Chồng tôi tiếp tục:“Tình mẫu tử chân chính là một quá trình rút lui khéo léo”, nói rồi ông mở điện thoại rồi đọc cho tôi nghe một bài viết.
“Những bậc cha mẹ không muốn tách rời khỏi con cái khi chúng đã trưởng thành. Họ lầm tưởng đó là vì yêu con, nhưng thực tế lại vô tình điều khiển con một cách toàn diện…”
Tôi liếc mắt lườm chồng:“Ý ông tôi chính là người mẹ như vậy hả?”. Chồng tôi bật cười vỗ vỗ vai tôi và nói:“Bà hả, bà thuộc loại có thể cứu vãn được!”
***
Sau chuyến du lịch trở về, việc đầu tiên tôi làm là gọi điện cho con trai và nói rằng tôi muốn tới nhà nó một chuyến. Hôm ấy tôi đã chia sẻ lại hành trình ý nghĩa nhất trong cuộc đời của mình, rồi nghiêm túc nói với chúng:“Mẹ chuẩn bị lui về tận hưởng hạnh phúc những năm tuổi già. Sau này, có lẽ mẹ sẽ không thường xuyên tới nhà con nữa, mà cho dù có tới thì mẹ sẽ gọi điện báo cho các con trước”.
Con trai nhìn tôi, lúng túng một hồi lâu rồi hỏi:“Mẹ, mẹ giận chúng con à?”
“Mẹ đâu có giận, chỉ là mẹ đang học cách tận hưởng tuổi già thôi con à”..Con trai ôm chầm lấy tôi làm mắt tôi ươn ướt bùi ngùi.
Có người đặt ra câu hỏi:“Cha mẹ sinh con ra để làm gì? Để có người nối dõi tông đường hay có người chăm sóc khi về già?”.Có rất nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng câu trả lời cuối cùng khiến nhiều người suy nghĩ là:“Vì để trả giá và để tận hưởng”.
Tình mẫu tử chân chính là một quá trình rút lui khéo léo. Ảnh dẫn theovecp.org.vn
Các bậc cha mẹ, xin đừng coi con cái là điều quan tâm duy nhất trong cuộc đời, đừng vì con cái mà khép lại cánh cửa giao tiếp với xã hội, cũng đừng vì con cái mà bỏ lỡ niềm đam mê sở thích của bản thân mình.
Có người nói:“Có một kiểu cha mẹ làm tôi vô cùng kính phục, đó là người dành cho con tình yêu thương mạnh mẽ khi con còn bé, rồi khi con lớn lên lại học cách buông tay một cách khéo léo. ‘Chăm sóc’ và ‘chia xa’ đều là nhiệm vụ mà mỗi người làm cha làm mẹ cần hoàn thành với con cái”.
Làm cha mẹ là cả một chặng hành trình dài mà phụ huynh chúng ta cần có cả lòng bao dung và trí tuệ. Không chỉ đơn thuần là nuôi dạy con, mà trong rất nhiều thời khắc của cuộc sống cần biết lúc nào nên tiến lúc nào nên lùi.
Chúng ta không mong cầu con trở nên hoàn hảo, cũng không cần chúng phải nuôi dưỡng khi về già, chỉ cần chúng có thể sống độc lập và giữ trọn lòng hiếu thuận với cha mẹ, vậy là bạn đã làm một người cha, người mẹ thành công rồi.
 
Bình Nhi

SÀIGÒN TRONG NỖI NHỚ

SÀIGÒN TRONG NỖI NHỚ
Có ai xa quê mà không thấy lòng hoài cảm
Mấy ai xa Sàigòn mà không tiếc nuối lúc vàng son?
Buồn thay! Đường xưa, lối cũ đã không còn
Nay chỉ thấy nhi nhô những ảnh hình ngạ quỷ!

Nhớ Sàigòn càng thêm căm hờn loài cộng phỉ
khi đã quá rõ ràng chúng mang tâm địa ác gian
của một bọn hung hăng, bạo ngược, tham tàn
luôn ngứa mắt hận thù một thời tự do, dân chủ!
Chiếm trọn miền Nam chúng thấy còn chưa đủ
nên đã thẳng tay đập bỏ những công trình
của phố phường tráng lệ lúc chiến chinh  
là Hòn Ngọc Viễn Đông mang tên Sàigòn đầy sức sống!

Vẻ đẹp của Sài gòn không là nhà cao, phố rộng
càng không phải đường hoa lòe loẹt muôn màu
Dù phố đông người hay xe ngựa xôn xao
vẫn chưa phải cảnh thị thành thời thịnh vượng.

Có nghĩa gì đâu khi mọi thứ toàn là vay mượn!
Những hàng hiệu xa hoa chỉ là cảnh bon chen
Hoa gấm mà chi khi cuộc sống vẫn nghèo, hèn
và oan nghiệt đang triền miên trong lòng Dân Tộc?!

Cảnh tráng lệ huy hoàng của bin đinh, cao ốc
chỉ cốt để khoe khoang cái đẹp lõa lồ
làm bình phong che đậy kiếp vong nông nô 
và khỏa lấp cảnh bần cùng lẫn hoang tàn, meo mốc.

Là kỷ niệm trong lòng người vong quốc
dù trầm luân qua bao dâu bể hoặc đổi thay
hay nhiễu nhương vì thời cuộc từng ngày
Sài gòn- như muôn thuở- sẽ đẹp hoài trong nỗi nhớ.
HUY VĂN

CHĂN BÔNG SƯỞI ẤM CHO CON NGƯỜI HAY CON NGƯỜI SƯỞI ẤM CHĂN BÔNG?

CHĂN BÔNG SƯỞI ẤM CHO CON NGƯỜI 
HAY CON NGƯỜI SƯỞI ẤM CHĂN BÔNG?

Trong một ngôi chùa cũ nát, chú tiểu nhỏ chán nản thất vọng nói với lão hòa thượng: “Trong ngôi chùa nhỏ bé này chỉ có hai thầy trò chúng ta, lúc con đi xuống núi hóa duyên, mọi người đều là nói những lời ác ý về Sư phụ và con, còn thường xuyên gọi con là hòa thượng hoang”.
Tiểu hòa thượng nói tiếp: “Hôm nay con đi khất thực, trời lạnh như vậy mà không một ai mở cửa cho con, đến cơm bố thí cũng được ít. Chùa Bồ Đề chúng ta muốn là nơi hóa độ chúng sinh, tiếng chuông vang xa không ngớt như Sư Phụ nói, con e là không thể.”
Lão hòa thượng khoác lên mình chiếc áo cà sa không nói lời nào, chỉ nhắm mắt lại lẳng lặng nghe... Tiểu hòa thượng cứ nói và cằn nhằn liên miên….
Cuối cùng lão hòa thượng mở mắt và hỏi: “Bây giờ bên ngoài gió bấc thổi mạnh, lại có băng tuyết ngập trời, con có thấy lạnh không?”
Tiểu hòa thượng toàn thân run rẩy nói: “Dạ, con lạnh, hai chân con đều tê cóng cả rồi!”
Lão hòa thượng nói: “Vậy chi bằng chúng ta đi ngủ sớm thôi.”
Lão hòa thượng và tiểu hòa thượng tắt đèn và vào trong chăn ngủ.
Một lúc sau, lão hòa thượng hỏi: “Bây giờ con có thấy ấm không?”
Chú tiểu nhỏ trả lời: “Dạ kính bạch Sư phụ, đương nhiên là con thấy ấm rồi, giống như ngủ dưới ánh mặt trời vậy!”
Lão hòa thượng nói: “Khi nãy, chăn bông để ở trên giường là lạnh, thế nhưng khi có người nằm vào lại trở nên ấm áp. Con thử nói xem, là chăn bông sưởi ấm cho người hay là người sưởi ấm cho chăn bông đây?”
Tiểu hòa thượng nghe xong liền nở một nụ cười nói: “Dạ Sư phụ ơi, chăn bông làm sao có thể sưởi ấm cho người được, là do con người tỏa ra thân nhiệt làm chăn bông ấm lên đấy ạ”
Lão hòa thượng hỏi: “Chăn bông đã không cho chúng ta sự ấm áp lại còn cần chúng ta đi sưởi ấm nó, như thế thì chúng ta còn đắp chăn bông làm gì?”
Tiểu hòa thượng ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Dạ kính bạch Thầy, mặc dù chăn bông không sưởi ấm cho chúng ta, nhưng chăn bông dày có thể giữ lại hơi ấm của chúng ta, khiến cho chúng ta ngủ được thoải mái.”
Sau khi nghe chú tiểu nhỏ trả lời, lão hòa thượng miệng mỉm cười và bảo:
“Chúng ta là hòa thượng tụng kinh rung chuông, chẳng phải là giống người nằm dưới “chăn bông”? Còn những chúng sinh kia chẳng phải họ là một cái chăn bông dày đó sao? Chỉ cần chúng ta một lòng hướng thiện, thì chiếc “chăn bông” lạnh như băng ngoài kia cuối cùng cũng sẽ được chúng ta sưởi ấm. Lúc đó cái chăn bông ấy cũng sẽ giữ ấm lại cho chúng ta.
Tiểu hòa thượng nghe xong liền bừng tỉnh mà hiểu ra hết.
Bắt đầu từ ngày hôm sau, chú tiểu nhỏ ấy đều dậy rất sớm đi xuống núi hóa duyên Tiểu hòa thượng cũng vẫn gặp phải những lời ác như trước đây. Thế nhưng tiểu hòa thượng trước sau gì đều giữ vững thái độ nho nhã và lễ độ đối xử với mọi người.
♦♦♦
Mười năm sau…
Chùa Bồ Đề đã trở thành ngôi chùa có diện tích hơn mười km, có rất nhiều hòa thượng, khách hành hương tới lui không ngớt. Tiểu hòa thượng ngày nào cũng đã trở thành một vị Sư trụ trì lỗi lạc.
Kỳ thực trên thế giới này, chúng ta đều là người đang nằm trong chăn bông, người khác chính là “chăn bông” của chúng ta. Khi chúng ta dụng tâm đi sưởi ấm cho “chăn bông” thì một thời gian “chăn bông” cũng sẽ giữ ấm lại cho chúng ta.
Mối quan hệ giữa người và “chăn bông” là như vậy.

Kỷ vật cho người ở lại

Kỷ vật cho người ở lại

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email:Ngoclan@nguoi-viet.com.
Kỷ vật cho Em, người ở lại !
Chuyện xảy ra gần 20 năm trước, khi tôi còn làm y tá của một bệnh viện trong một thành phố nhỏ ở tiểu bang Arizona. Tối hôm đó, bệnh viện của tôi nhận một nhóm nạn nhân của một tai nạn xe hơi thảm khốc. Trên xe là bốn em học sinh đều ở lứa tuổi 17-18, cùng đi về với nhau sau bữa tiệc. Người lái xe 18 tuổi, say rượu và chạy xe quá tốc độ, lạc tay lái tông vào một chiếc xe tải đang đậu bên lề đường. Nhờ có thắt dây an toàn, người lái và em ngồi cạnh tuy bị thương nặng nhưng không nguy hiểm tính mạng. Riêng hai em ngồi sau, 1 nam 1 nữ bị thương rất nặng vì không thắt dây an toàn. Em trai bị chấn thương sọ não và chết ngay sau khi xe chở đến bệnh viện. Em gái hôn mê bất tỉnh phải mổ gấp, không biết có cứu được hay không?

Thật đáng buồn, em trai tử vong là một em Việt Nam, 17 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học và đang sắp rời nhà để vào một trường đại học danh tiếng. Các em còn lại đều người ngoại quốc.

Lúc đó tôi đang làm tại khu ICU (Intensive Care Unit). Bệnh nhân tôi được giao đêm đó là em gái 17 tuổi của tai nạn vừa kể trên. Một cô bé người ngoại quốc, đẹp hay không thì tôi không biết vì cả khuôn mặt lẫn cái đầu tóc vàng của em đều tím bầm, sưng to như trái dưa hấu vì những cú va chạm kinh khiếp. Em đang được mổ não khẩn cấp trong phòng mổ.

Tôi được (hay bị) kêu vào phòng họp gấp để nhận một nhiệm vụ quan trọng.

Sau khi được biết nhiệm vụ của mình là gì, tôi nhăn nhó phản đối, “Tại sao lại là tôi? Đây là nhiệm vụ của bác sĩ mà!”
“Tôi biết, nhưng người nhà của bệnh nhân không biết tiếng Mỹ rành lắm, cô đi theo thông dịch cho bác sĩ, và ráng van xin họ giúp chúng tôi,” bà y tá trưởng năn nỉ..

Sau một hồi bàn qua tính lại, tôi lê bước đi theo ông bác sĩ đến phòng chứa xác của em trai Việt Nam mới tử nạn,
với nhiệm vụ là cùng bác sĩ, năn nỉ gia đình người chết hiến tặng những bộ phận còn tốt trong cơ thể của em cho bệnh viện.

Một em trai 17 tuổi đang khỏe mạnh nhưng chết vì tai nạn, là một ứng cử viên tuyệt vời để làm người hiến tặng, vì hầu hết các bộ phận trong cơ thể em còn rất khỏe, rất trẻ, rất thích hợp để cứu sống các bệnh nhân đang chờ đợi
để được thay các bộ phận trong người. Đó là lý do bệnh viện hết sức cầu xin gia đình.

Thời gian đó, đối với người Việt mình, khái niệm hiến tặng bộ phận cơ thể còn rất mới mẻ. Nếu không là cho người thân trong gia đình, hầu như rất ít ai hiến tặng cho những người không quen biết. Huống hồ gì, chuyện cha mẹ đồng
ý hiến tặng các bộ phận trong cơ thể của con thì hình như chưa hề xảy ra. Có cha mẹ nào mà nỡ lòng nào làm như thế? Mất con đã đau đớn lắm rồi…

Chúng tôi gặp cha mẹ nạn nhân trong phòng đợi, trong khi người con đang được chờ quyết định để rút tất cả ống support bên trong, tôi bắt đầu trình bày lý do. Quả như tôi lường trước, cho dù có van xin, nài nỉ, giải thích cách mấy, bác sĩ và tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu quầy quậy, ánh mắt oán ghét, và những lời xua đuổi.

Tôi lắp bắp xin lỗi rồi bước nhanh như chạy ra khỏi phòng.

Phòng ICU rất vắng lặng vì ở đây toàn những ca rất nặng. Những y tá cùng trực với tôi đêm đó ai cũng bận rộn với bệnh nhân của mình nên chỉ có một mình tôi ngồi tại nurse station. Thường thì ở ICU, mỗi y tá lãnh hai bệnh nhân trong một ca. Nhưng đêm nay tôi chỉ có một, vì một bệnh nhân mới chuyển sang phòng thường. Bệnh nhân còn lại là cô gái đang trong phòng mổ, nên tôi cũng khá rảnh rỗi, cho đến khi ca mổ xong.

Bỗng nhiên tôi thấy hơi nhức đầu nên cúi gục vào lòng bàn tay một chút cho đỡ mỏi mắt. Khi tôi ngẩng đầu lên thì vụt một cái, thoáng có một bóng người mặc áo trắng lướt thật nhanh qua mặt.

Tôi đảo mắt nhìn quanh. Không có ai cả!

Tôi vẫn thường thấy lao đao như vậy lắm, có lẽ vì tôi bị chứng bịnh thiếu máu kinh niên. Tôi dụi mắt nhìn kỹ lại một lần nữa, lần này thì thật sự có một bóng áo trắng đang từ từ tiến lại gần tôi.

Tôi dợm đứng dậy để nhìn cho rõ thì thấy có một cậu thanh niên Á Châu rất trẻ, gương mặt xanh xao mệt mỏi đang đi lại phía tôi ngồi. Cậu đi nhẹ nhàng như lướt trên không vậy, xuất hiện trước mặt tôi mà không gây nên một tiếng động. Cậu nhìn tôi, đôi mắt nâu hiền và ngây thơ đến nao lòng. Có vẻ như cậu đang bị lạc đường. Chắc là cậu đi nuôi người nhà bệnh và lạc từ khoa khác sang.

Thấy cậu đứng yên lặng không nói gì, tôi hỏi bằng tiếng Mỹ, “Em cần gì, tôi có giúp được gì cho em không?”

Lạ thay, cậu trả lời bằng tiếng Việt, “Em đi kiếm đồ!”
Giọng của cậu nhỏ và thanh, nghe văng vẳng như từ một nơi xa xôi nào đó vọng về.

“Em bị mất cái gì à?”

“Em làm rớt cái ví trong xe. Trong đó có một món đồ rất quan trọng.... Chị kiếm dùm em nghe chị. Nhớ nghe chị…”
Không đợi tôi trả lời, cậu quay lưng đi thật nhanh và khuất bóng sau góc quẹo.

Tự nhiên tôi cảm thấy lạnh buốt, cái lạnh từ trong xương lạnh ra.... Tôi rùng mình. Lạ thật, Tháng Sáu Mùa Hè ở cái xứ sa mạc này nóng cả trăm độ. Cho dù máy lạnh có mở cũng chỉ vừa đủ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy lạnh cóng bằng cái lạnh của hiện tại.

Đầu óc tôi quay cuồng và tiếp tục nhức. Chắc mình sắp bịnh rồi, tôi tự nhủ. Sao tự nhiên lại cảm thấy lạnh và nhức đầu quá. Tôi đứng lên định đi theo cậu bé nhưng rồi lại choáng váng ngồi phịch xuống một chiếc ghế.

Vừa lúc đó, một cô bạn đồng nghiệp từ đâu đi tới. Nhìn thấy sắc mặt tôi, cô la lên, “Oh my God! Trời ơi sao cái mặt cô xanh lè xanh lét thấy ghê quá. Are you OK?”

“Tôi thấy lạnh quá, cô lấy dùm tôi một cái áo lạnh được không?”

Cô bạn nhanh chóng đi lấy cho tôi một cái áo labcoat mới được giặt ủi và hấp nóng. Tôi mặc áo vào, ngồi co ro mà thấy vẫn còn lạnh, mồ hôi rịn ra hai bên thái dương.

Tôi uống thêm hai viên Tylenol. Một lúc sau, tôi thấy từ từ dễ chịu, và lại nghĩ đến cậu bé hồi nãy. Cậu ta là ai, làm sao biết cậu ở đâu, đi kiếm cái xe gì, và cái ví gì nữa chứ?

Cả khu ICU này có 6 phòng. Hiện giờ đang có năm bệnh nhân, mỗi người nằm một phòng. Tôi coi lại danh sách bệnh nhân viết trên bảng treo trên tường. Không có bệnh nhân nào người Việt. Vậy cậu từ khoa nào đi sang đây?
Tôi đi lòng vòng với hy vọng gặp lại cậu bé, nhưng hỏi thăm những nhân viên quanh đó xem có ai gặp một cậu bé người Á châu không, ai cũng lắc đầu không biết.

Thất vọng, tôi trở về khoa đúng lúc bệnh nhân của tôi đã được giải phẫu xong và chuyển về phòng ICU. Bác sĩ bảo em được cứu sống nhưng đôi mắt sẽ bị mù vĩnh viễn vì chấn thương quá nặng. Chỉ có một hy vọng duy nhất là được thay đôi mắt khác em mới có thể thấy lại ánh sáng.

Ba mẹ em ngồi bên giường trong khi em vẫn đang nằm thiêm thiếp. Ông bà yên lặng chắp tay cầu nguyện. Tôi không biết làm gì hơn là ngồi xuống bên cạnh và góp lời cầu nguyện trong lòng.

Người mẹ buồn rầu nói, “Tội nghiệp chúng quá. Rồi đây Jane sẽ ra sao khi tỉnh dậy và biết là người yêu của nó đã chết?”

“Người yêu của Jane là anh Việt Nam ngồi chung xe hả bà?” tôi hỏi.

“Đúng vậy, chúng nó yêu nhau lắm. High school sweethearts mà. Hai đứa đều học giỏi và có tương lai. Thế mà, chỉ qua một đêm, một đứa ra đi vĩnh viễn, một đứa trở nên mù lòa.” Bà sụt sịt khóc.

Tôi ngập ngừng, “Bác sĩ nói con bà còn có hy vọng thấy lại ánh sáng, nếu…”

“Vâng tôi biết! Nhưng ở đâu ra có cặp mắt để thay kia chứ? Nếu đó là cặp mắt của một người còn sống cho con tôi, tôi biết chắc chắn nó sẽ không chịu nhận. Nó là cô gái rất tốt, không bao giờ muốn làm khổ ai.”

“Nhưng nếu đó là cặp mắt của một người vừa mới mất thì hoàn toàn có thể dùng được, chỉ có điều…” tôi bỏ dở câu nói vì tôi biết chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. Đừng bao giờ nên hỏi cha mẹ cậu bé Việt Nam thêm một lần nữa.

Như đọc được ý nghĩ của tôi, bà mẹ thở dài, “Cô y tá ạ, tôi biết nỗi đau của người mẹ mất con nó khủng khiếp như thế nào. Tôi không dám đòi hỏi gì thêm. Số phận con gái tôi bị mù thì tôi sẽ hết lòng chăm sóc cho nó. Con gái tôi có nghị lực lắm, tôi tin nó sẽ vượt qua…”

Xót xa nhưng cũng rất xúc động trước những lời nói của bà, tôi nhẹ nắm lấy tay bà. Vừa lúc đó, một ông cảnh sát đang rảo bước tới, trên tay cầm một bọc giấy. Ông hỏi tôi, “Người ta chỉ cho tôi là có một cô y tá người Việt ở đây.

Cô nói được tiếng Việt chứ?”
“Dạ được. Ông cần gì không?”

“Tôi muốn nhờ cô đi với tôi đến gặp gia đình người tử nạn trong tai nạn xe chiều nay. Chiếc xe bị total lost. Trước khi xe tow kéo xe đi, chúng tôi kiểm tra trong xe và tìm thấy chiếc ví này rớt trong xe. Nó thuộc về người đã chết. Tôi muốn giao lại kỷ vật này cho thân nhân của cậu.”

Ví, xe, người tử nạn… những mảnh rời rạc của chiếc hình puzzle tự nhiên ráp nối lại với nhau một cách có trật tự. Tim tôi đập thình thịch và cổ họng tự dưng tắc nghẽn. Chân tôi bắt đầu run lập cập và tay thì nổi da gà. Sao giống y hệt những điều cậu bé kia vừa nói? Không lẽ mình vừa gặp ma sao?
Tôi lắp bắp hỏi ông cảnh sát, “Ông có thể cho tôi xem qua chiếc ví được không?”

Ông ngần ngừ một chút rồi nói, “Cũng được, nhưng trong ví không có gì quý giá hết, chỉ có tấm bằng lái xe và một ít tiền mặt vậy thôi!”
Tôi tần ngần mở chiếc ví ra. Thật vậy, trong ví ngoài một ít tiền nhỏ chỉ có tấm bằng lái xe. Tôi tò mò nhìn vào tấm bằng lái và hoảng sợ làm rơi chiếc ví xuống đất. Trên tấm bằng là hình của cậu bé vừa đến gặp tôi ít phút trước đây.

Với gương mặt gầy và cặp mắt nâu trong vắt thơ ngây như đang nhìn xoáy vào tôi, như muốn nói một điều gì.
Vậy ra cậu chính là người đã chết đó sao?

Một luồng khí lạnh chạy dọc theo sống lưng của tôi. Tôi thầm thì, nhắc lại lời của cậu bé khi nãy: “Trong ví này có một vật rất quan trọng…”

“Cô nói gì?”

Tôi lượm chiếc ví lên, mở ra xem lại và lật tới lật lui. Quả thật không có gì khác ngoài vài tờ giấy $10 và $5, cùng tấm bằng lái.
            Tai tôi văng vẳng nghe tiếng của cậu bé, “chị nhớ giúp em nghe chị, nhớ nghe chị…”
Tấm bằng lái!
Tôi nhìn kỹ lại tấm bằng lái lần nữa. Đây rồi, vật quan trọng mà tôi cần tìm chính là tấm bằng lái này đây.
Trên bằng lái có tên, tuổi và hình chụp của cậu bé. Còn nữa, nằm ngay ngắn ở góc phải của tấm bằng là cái sticker nhỏ màu hồng, trên có dòng chữ “DONOR” màu đen in đậm nét.

Tim tôi đập thình thịch. Như vậy là, chính cậu đã run rủi cho sở cảnh sát tìm thấy chiếc ví rơi trong gầm xe trước khi xe bị kéo đi; chính cậu đã tìm đến tôi, và đưa đẩy cho ông cảnh sát gặp tôi để mọi người có thể biết được ý nguyện của cậu. Thì ra ngay từ khi mới có bằng lái, cậu đã quyết định là nếu có điều gì xảy ra cho mình, cậu sẽ sẵn sàng hiến tặng những bộ phận còn tốt trong người cho tất cả ai đang cần chúng nên đã tình nguyện ghi tên làm người DONOR. Có phải cậu đến tìm tôi vì biết tôi là người chăm sóc cho người bạn gái thương yêu của cậu đêm nay và muốn nhờ tôi tìm cách để trao tặng cho cô gái đôi mắt của cậu như một kỷ vật cuối cùng?

Tôi chỉ vào chữ “DONOR” và nhờ vị cảnh sát xác minh lại với DMV. Sau khi xác nhận là cậu bé Việt Nam chính thực đã ghi danh làm người “DONOR”, nhưng đồng thời vị cảnh sát cũng thông báo rằng theo luật pháp, vì cậu bé mất khi cậu chưa đủ 18 tuổi, nên quyết định cuối cùng, cho hay không, cũng vẫn là quyết định của cha mẹ.

Phái đoàn gồm các bác sĩ, cảnh sát cùng với tôi sau khi đưa chiếc ví lại cho cha mẹ cậu và thông báo về tất cả những sự việc trên cho họ. Trong khi chờ gia đình cậu bé bàn thảo với nhau, chúng tôi đều lui ra ngoài đứng chờ.
5 phút, 10 phút trôi qua. Một bầu không khí yên lặng đến nghẹt thở.

Rồi cha mẹ cậu bé cũng bước ra. Người mẹ ôm mặt khóc, trong khi người cha nghẹn ngào nói với chúng tôi:

“Thôi thì con tôi nó đã muốn như vậy, chúng tôi xin nghe theo ý nguyện của cháu.
Xin bệnh viện giúp cháu làm tròn tâm nguyện, hãy giúp đỡ tất cả những ai đang chờ được giúp.”

Tôi bật khóc vì quá xúc động. Tất cả những người có mặt lúc đó đều khóc và cảm ơn cha mẹ cậu bé đã làm quyết định đau đớn và khó khăn nhưng rất cao cả này. Cảm ơn ông bà, tôi thầm thì. Trên cao kia, tôi biết cậu bé đang nhìn xuống và mỉm cười.

Những ngày sau đó, có ít nhất là cả chục bệnh nhân đang chờ thay thận, gan, tim, v.v… đã được cứu sống nhờ được ghép những bộ phận trong cơ thể cậu bé. Cô bạn gái cũng đã nhận được cặp mắt của cậu. Trên gương mặt trắng bóc và mái tóc vàng hoe, đôi mắt nâu trong veo luôn tỏa những tia sáng ấm áp dịu dàng. Đôi mắt như biết nói những lời yêu thương đến mọi người. Cậu bé đã ra đi mãi mãi, nhưng tình yêu quảng đại của em vẫn tiếp tục tồn tại.
****
Ngay sau cái đêm “gặp ma” trong bệnh viện đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi về bàn với chồng, và vợ chồng tôi đã cùng đi đến quyết định là ra DMV để ghi tên tình nguyện làm người “DONOR.”

Nếu một mai có người nào phải ra đi trước, chúng tôi không muốn người thân mình ở lại phải suy nghĩ để làm những quyết định đau lòng thế cho mình.


Cát bụi rồi sẽ trở về với cát bụi. Thế thì tiếc làm chi các xác thân tạm bợ này! Nếu sau khi mình ra đi mà vẫn còn có ích cho người khác thì đó chính là một niềm an ủi và hạnh phúc vô biên cho mọi người chúng ta rồi.

Diễm Vy