Friday, June 2, 2017

Mẹ ơi, chỉ cho con!.

Mẹ ơi, chỉ cho con!.
( Mến tặng chị Uyên Thúy Lâm )

Hồi mới qua Mỹ, tôi thật là vất vả cực nhọc, phải lo chạy ngược chạy xuôi mới có đủ tiền chi phí trang trải cho cuộc sống của gia đình. Thời gian thì rất là hiếm hoi, tính toán việc nọ việc kia cứ tiếp nối nhau, không khi nào thấy rảnh rang cả. Vậy mà, con bé Thảo Châu nhà tôi không thông cảm nỗi khổ cho mẹ, cứ đi theo nằn nì cho bằng được:

_ Mẹ ơi! Mẹ chỉ cho con đi, con biết mẹ là cô giáo dạy múa mà! Mẹ chỉ cho con rồi con đến lớp chỉ lại cho mấy bạn của con... Đi mẹ ! Gần tới ngày diễn văn nghệ rồi, mà lớp của con thì chưa tập xong. Chúng con đang rối mù đây này. Đi mẹ ! Mẹ thương con, thương chúng con đi mẹ !

Tôi đứng yên lặng suy nghĩ để sắp xếp công việc, tìm thời gian trống để giúp cho con gái út thì cô chị tưởng tôi không bằng lòng giúp cho em, nên vội chen vào:

-- Mẹ giúp cho em Thảo Châu đi. Việc nhà con sẽ gánh bớt cho mẹ được không?

Thế là tôi gật đầu đồng ý, làm con bé Thảo Châu nhẩy cẫng vui mừng như chim Sáo. Tôi trở về phòng đi tìm tài liệu, bỏ lâu quá rồi không biết tập bài gì? Hay là tập bài: "Tiếng Trống Cao Nguyên" bài này thì tôi nhớ nằm lòng vì hồi dạy học ở trường Minh Đức (Pleiku) tôi đã hướng dẫn cho học sinh múa và các em đoạt được giải nhất trong mùa hội diễn văn nghệ cuối năm. Đó là một kỷ niệm vui mà không bao giờ tôi quên. Tôi lẩm nhẩm ôn lại lời ca và các động tác múa:

Từng hồi trống.. Xoá tan đêm trường. 
Lửa bừng lên... Sáng soi màn đêm. 

Trống khuya dồn... Đêm không còn vắng.

Trống khuya dồn... Như bao lời nhắn: Núi rừng Cao Nguyên.


hinh.jpg 

Thế là cái phòng khách của nhà tôi biến thành nơi tập dượt văn nghệ cho con gái út của tôi và các bạn của nó. Căn phòng hơi chật chội, nhưng tôi không quản ngại dẹp bớt một số đồ đạc sang phòng ngủ để lấy chỗ tập cho các em.

phat_dan2.jpg 

Khi chưa nhận lời thì còn lưỡng lự, khi đã bắt tay vào cuộc thì mê mải quên ăn, quên ngủ luôn (đó là cái tật kỳ cục của tôi). Rồi máu " văn nghệ" trong tôi bừng bừng trỗi dậy, tôi tập luôn cho các em thêm hai màn hoạt cảnh rất dễ thương và đầy ý nghĩa: 

MỘT MẸ TRĂM CON (Giới thiệu nguồn gốc & con người Việt Nam)
HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG (Nói về truyền thống yêu nước của người Việt Nam)

Hai bài này thì tập dễ lắm, chỉ vài giờ là xong. Nhưng cái công khó là phải chuẩn bị quần áo hóa trang cho các em khi ra sân khấu . Thế là tôi phải tự mình cặm cụi thâu đêm suốt sáng để chuẩn bị y phục trình diễn cho các em.

picture_006.jpg 

Không ngờ các em thành công trong lần trình diễn văn nghệ đó. Tất cả quan khách tham dự đều trầm trồ khen ngợi các em, còn thưởng cho nhóm múa 200 Đô la nữa chứ. 

Về nhà, các em vây quanh lấy tôi ríu rít :

--Tụi cháu cám ơn cô, từ nay sẽ gọi cô là sư phụ.

--Cô cần gì ? Tụi cháu sẽ đến giúp.

--Dạ ! Từ nay tụi cháu sẽ nghe lời cô chỉ dạy. Không nhuộm tóc, không mặc áo hở ngực, hở rốn nữa, không rong chơi ngoài đường nữa.

--Tụi cháu sẽ đến nhổ cỏ, làm vườn phụ với cô sau giờ học.

--Số tiền thưởng này, tụi cháu xin gởi cô giữ để cuối tuần cô nấu phở cho chúng cháu đến ăn.

Nhìn các em vui (trong đó có con gái út cưng), tôi không còn thấy niềm vui nào lớn hơn nữa.

picture_011.jpg 

Các bạn có biết không? Ở bên xứ Mỹ này, những ngày nghỉ cuối tuần là thời gian vô cùng quý giá, người ta thường dành để nghỉ ngơi, vui chơi và hưởng thụ. Vậy mà tôi lại tình nguyện làm hướng dẫn múa cho hai nhóm trẻ ở Dorchester, MA. Toàn nhóm có khoảng 50 em tuổi từ 9 tới 15. Mỗi tuần, vào ngày Chủ Nhật là căn nhà nhỏ bé của tôi nhộn nhịp hẳn lên bởi đám trẻ ra vào từ sáng tới tối. Thật lòng, tôi chỉ muốn hướng dẫn và giúp đỡ cho các em thanh thiếu niên Việt Nam nơi xứ lạ quê người giữ được truyền thống văn hoá của người Việt Nam. Tôi làm việc với tính cách hoàn toàn là tự nguyện, đôi khi phải móc tiền túi ra chi trả những sắm sửa trang phục của đội múa nữa, chẳng có ai trả lương cho tôi đâu.

Mỗi lần trong cộng đồng Việt Nam có tổ chức Tết hay lễ hội Trung Thu, thì BTC đều gọi đến nhóm múa mời các em tham gia trình diễn văn nghệ. Vui hơn nữa, có vài hội đoàn của Mỹ như là VAC, IWRC, và HCFA, cũng rất thích thú những màn trình diễn ngây thơ dễ thương của trẻ em Việt Nam. Họ nói là các em đã làm cho họ hiểu biết hơn về văn hoá Việt Nam, con người Việt Nam qua các động tác mà các em diễn tả trong điệu múa. Mỗi khi có dịp lễ hội truyền thống văn hoá các sắc dân là họ đều mời các em đến cùng chung vui.
Thật vậy, những màn múa nón, múa quạt, múa dù, múa nến, múa kiếm, múa gậy ; rồi những tà áo dài duyên dáng Việt Nam, những bộ váy áo tứ thân khăn mỏ quạ, chiếc áo bà ba , khăn rằn, áo dài khăn đóng do tôi tự sáng chế cho phù hợp với lứa tuổi của các em đã mang lại nét đặc sắc và thiện cảm vô cùng trong mỗi lần đi trình diễn văn nghệ khắp nơi.

Vui nhất là ngày lễ hội DORCHESTER DAY được tổ chức hàng năm vào đầu tháng 6. Cộng đồng Việt Nam lại kêu gọi nhóm múa trẻ tham gia diễn hành. Tôi tập trung hết cả hai đội múa lại, chia ra làm ba tốp để thể hiện sắc thái của ba miền văn hoá khác nhau: Bắc - Trung - Nam.

picture_236.jpg 

Cuộc diễn hành ở ngoài trời rầm rộ và vô cùng ngoạn mục, tập trung đầy đủ tất cả các sắc dân cùng cư ngụ ở Dorchester, trong đó có cộng đồng Việt Nam. Đoàn diễn hành của cộng đồng Việt Nam nổi bật hơn cả là nhờ các em thanh thiếu niên duyên dáng trong những chiếc áo dài truyền thống Việt Nam phất những dây lụa đủ màu, múa theo đội hình rất đẹp mắt.

Các đài truyền hình, máy quay phim, chụp ảnh, thấy lạ và nhất là thấy các em dễ thương quá , đều chen nhau đổ dồn về phía các em. Tôi thấy các em cười vui lắm, thấy cả cha mẹ các em cũng đến vui nữa. Ngay tối hôm đó đài truyền hình Mỹ chiếu đi chiếu lại hình ảnh lễ hội ngày DORCHESTER DAY và sáng hôm sau thì tờ báo Boston Globe cho đăng hình các em trên trang nhất với hàng chữ : Hình ảnh áo dài truyền thống Việt Nam trên đường phố Mỹ .
Ông Thị Trưởng Boston cũng đặc biệt chú ý tới đội múa trẻ này và gởi tặng giấy khen cho từng em ( lẽ dĩ nhiên là tôi cũng có giấy khen nữa). Nhìn những thành quả mà các em đạt được, lòng tôi chợt rộn rã một niềm vui, như quên hết nỗi cực nhọc dày công tập luyện cho các em bao tháng ngày, quên hết mọi điều ong tiếng ve cùng những lời thị phi, đàm tiếu, diễu cợt rằng tôi "ăn cơm nhà, đi vác ngà voi", rằng tôi "khùng, điên" đi chơi với đám con nít ranh. Bởi vì họ không thể hiểu được rằng trẻ em Việt Nam sinh trưởng tại Hoa Kỳ không có được những điều kiện tốt đẹp để duy trì được sự hồn nhiên trong sáng của tuổi ngây thơ.

picture_354.jpg 

Những áp lực của bạn bè, những quyến rũ của một xã hội văn minh tôn trọng chủ nghĩa cá nhân và đầy rẫy những cạm bẫy của ma tuý và hình ảnh đồi truỵ đã khiến cho các em dễ bị sa ngã và hư hỏng cả cuộc đời.

Học đường bên Mỹ không dạy về luân lý và đạo đức. Học đường không có môn công dân giáo dục , trong khi cha mẹ thì lại bận bịu lo kiếm tiền không có thì giờ để chăm sóc cho con.

Nền văn hoá Hoa Kỳ lại khuyến khích việc tự lập, con em bị ảnh hưởng của bạn bè Hoa Kỳ không muốn ở chung với cha mẹ, cứ muốn tách ra sống riêng để được tự do thoải mái hơn , khỏi phải "đi thưa về trình".
Ngày xưa ở Việt Nam thì quý vị phụ huynh có quyền răn dạy con trẻ bằng roi đòn hay bắt quỳ gối, bắt khoanh tay cúi đầu, úp mặt vô tường vv... nhưng ở đây nếu quý vị đánh con là nó gọi cảnh sát hay CPS (child protective service) là mình đi tù ngay lập tức.

Chưa hết, ở học đường của Mỹ, thầy cô cũng không được phép la rầy mắng chửi các em vì như thế là vi phạm nhân vị học sinh, có thể bị mất việc như chơi.

Ở nhà, con cái không sợ cha mẹ, đến trường thì vô lễ với thầy. Học sinh trung học gọi thầy bằng tên thay vì họ, và bỏ cả chữ "ông", "bà", hay "cô":
- " Heh! Susan! What 's up !?"...

Ảnh hưởng của bạn bè tại học đường thì thật là kinh khủng! Con cái ở nhà gần cha mẹ một ngày có được hai hay ba giờ là nhiều, trong khi chúng sống tại trường với bạn bè hằng bẩy, tám, tiếng đồng hồ/ngày, và có khi còn nhiều hơn thế nữa nếu sau giờ học chúng còn túm năm, tụm ba đàn đúm với nhau ...v.v. Chưa kể những ngày trốn học , chúng rủ nhau nhẩy rào về nhà một đứa bạn nào đó. Căn nhà bỏ trống, không có người lớn giám sát (cha mẹ của đứa này bận đi làm hay đi xa) Ôi thôi ! Chúng bày ra đủ thứ trò ăn chơi thiệt là ghê gớm: rượu chè , ma tuý và dĩ nhiên là có cả ***. Các em gái bị dụ dỗ làm tình ngay từ các lớp đệ nhất cấp. Tình dục là một vấn đề quá thường đối với các học sinh từ lớp 8 trở lên.

Một hiện tượng nữa cũng khó coi là cái văn hoá hippy của giới trẻ. Nếu thấy con em mình ngày nào mà chúng nhuộm tóc một bên vàng, bên kia xanh da trời hay xanh lá cây... rồi thì là đeo chừng ba bốn cái vòng trên vành tai, vòng trên lưỡi, vòng trên rốn, hay vòng trên lỗ mũi là phụ huynh biết chúng đã tiêm nhiễm cái văn hoá này rồi.

Chúng còn tự cắt quần áo cho rách bươm, tua tủa hay khoét cho thủng lỗ, ngay cả vớ "panty hose" cũng thủng lỗ. Cổ chúng đeo những cái vòng có đinh, cổ tay hay cổ chân cũng mang vòng tương tự. Từ thắt lưng đeo lủng lẳng một sợi dây xích dài một thước. Con trai thì quần rộng thùng thình, vòng lưng 40 lết phết dưới đất, vừa đi vừa kéo và nếu có phải chạy thì dễ tụt xuống chân không biết lúc nào! Còn con gái thì mặc quần trễ tới mông, trễ càng sâu càng tốt, mặc áo phải hở bụng lòi rốn ra ngoài mới chịu. Lại còn có mấy em lập ra hội "break dancing" (nhẩy múa quay cuồng xoay mình dưới đất , chổng vó lên trời) . Nhưng nay thì các em đã tham gia gần hết vào trong nhóm múa do tôi phụ trách. Tôi thương các em vô cùng, sẵn sàng chỉ dạy, hướng dẫn cho các em mà không nề hà gian khổ.

Trẻ em ở lứa tuổi 14 và 15 rất là ương bướng và thường thách đố quyền bính của cha mẹ hay thầy giáo. Bổn phận của cha mẹ là nuôi dưỡng con cái. Nhưng phần đông chúng ta không dành thì giờ để nói chuyện hay tìm hiểu con cái và bạn bè của chúng. Nếu chúng ta không gần gũi chúng , không biết tỏ tình thương yêu chúng thì chúng sẽ đi ra ngoài tâm sự với bạn bè mà dấu giếm cha mẹ mỗi khi gặp điều gì trở ngại hay phải đối phó với những cám dỗ của cuộc đời.

Vị thành niên vẫn là trẻ em, chúng vẫn luôn cần cha mẹ khi phải đối đầu với những gì mới lạ trong cuộc sống. Vậy hãy luôn duy trì những buổi nói chuyện giữa cha mẹ và con cái, dù đôi lúc bạn rất mệt mỏi, và không nghĩ ra được chuyện gì để thảo luận với con thì cũng ráng dành chút thời giờ để hỏi han hoặc nói chuyện tào lao với con cũng được.

Nói chuyện thường xuyên với nhau trong gia đình, khiến cho cha mẹ và con cái dễ cảm thông nhau hơn, đồng thời giúp giải toả được những căng thẳng tinh thần mang lại từ cuộc sống bên ngoài. Con em chúng ta luôn cần cha mẹ như những người nuôi dưỡng , đồng thời cố vấn, hướng đạo, đặt ra kỷ cương khi cần thiết và biết "xía vào" ngăn chặn được những bước tiến sai lầm của chúng.

Châu Hà

Các hình là ảnh sinh hoạt của nhóm múa do Châu Hà hướng dẫn
 
 

No comments:

Post a Comment