Monday, June 19, 2017

BA VÀ TÔI

BA VÀ TÔI

Nếu bạn sống bên cạnh cha mẹ và có thể nhìn thấy những đổi thay từ từ của hai đấng sinh thành mỗi ngày thì chắc bạn cũng như tôi... ngậm ngùi nuối tiếc, ngay cả khi đang cùng Ba Mẹ ngồi ăn một bữa cơm tối.

Ba tôi đưa đũa gắp thức ăn cho vào chén, tôi giúp ông:

- Ba, để con gắp cho.

Không, Ba tự làm được mà!

Đầu đủa của Ba cứ gắp gắp xuống mặt bàn...

Ba để con gắp cho!

Được mà!

Hai, rồi... ba lần. Ba chỉ gắp được một cọng hành trong đĩa thịt xào.

Miếng cơm trong miệng tôi bổng đắng ngắt.

Một lần khác, Ba chan canh vào chén mà đổ tràn ra bàn, Ba đổ rác vô thùng mà tung tóe ra ngoài ...

Nhìn bên ngoài, so với những ông cụ cùng lứa tuổi thì Ba tôi thật khỏe mạnh, nói chuyện giọng còn sang sảng... Ba lúc nào cũng là người đàn ông trong gia đình. Ba trông coi sân trước, vườn sau chu đáo; đóng cửa khoá phòng cẩn thận; tắt bếp tắt đèn trước khi đi ngũ; thu dọn rác rưởi sau những bửa tiệc; dành xách những túi đi chợ nặng nhất; bất cứ lúc nào, bất cứ việc gì... không cần vợ con lên tiếng yêu cầu, Ba đều hăng hái chu toàn. Ba đúng là hình ảnh trụ cột của gia đình, gương mẩu và đầy vị tha.

Nhưng, tôi biết mỗi ngày qua là mắt Ba mờ hơn một chút, tai lãng hơn, tay chân lọng cọng và trí nhớ cũng dần mai một. Vậy mà khi tôi đưa Ba đi Bác sĩ khám tai để mua máy trợ thính thì ông la chới với:

Ba đâu có điếc mà đeo ba thứ đó.

Hoặc triết lý hơn một chút:

Ôi, thôi, già rồi... bớt nghe một chút, không sao. Lổ tai là cái gây nghiệp chướng nhiều nhất, bớt nghe bớt gây nghiệp!

Cho đến lần bạn già gọi điện thoại hỏi thăm, Ba khoác tay ra hiệu:

- Nói ổng... Ba ngũ rồi hoặc... Ba đi vắng!

Khi tôi cằn nhằn:

- Ba lạ ghê, không ai gọi thì trách mà có người gọi thăm thì không chịu nói chuyện.

Ba bỏ nhỏ:

Tai Ba... không nghe rõ, kẻ hỏi gà, người trả lời vịt, phiền lắm, con!



Ba và mấy chị em tôi định cư ở USA tháng 7 năm 1994. Năm đó Ba tôi đã 64 tuổi, sau mười môt năm trong trại cải tạo đã biến Ba tôi từ một người đàn ông trung niên đầy sức sống, đang thăng tiến về mọi mặt trong đời sống trở thành một ông già sáu mươi ốm yếu, bệnh hoạn. Tài sản trong nhà lần lượt ra đi vì vợ con không có cơ hội để kiếm được một công việc làm ổn định. Tôi, đứa con gái lớn của Ba, sau một cuộc tình duyên dang dở thì cũng đang vất vả nuôi một đứa con gái nhỏ không có quê nội để về.

Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt của Ba nhìn tôi ngày tôi lên thăm Ba ở trại tù Tiên Lảnh- Quảng Nam. Ánh mắt ấy đã theo tôi suốt những tháng ngày còn lại trong đời. Vừa xót xa và tràn đầy thông cảm. Ba đã nói: “Con gái , khi chúng ta không thể nào thay đổi được hoàn cảnh thì nên vui vẻ chấp nhận nó, biết đâu… trong cái rủi còn có cái may, con à!”
Câu nói của Ba như một lời tiên tri. Cùng với nước mắt của hai mẹ con và lời khai theo sự hướng dẫn của Ba, tôi và đứa con gái nhỏ đã may mắn được chấp thuận của phái đoàn phỏng vấn cho đi định cư tại USA theo diện Nhân đạo (H.O) cùng với Ba và mấy người em. Lúc đó tình hình phỏng vấn rất căng thẳng cho con em của cựu tù nhân trên 21 tuôỉ. Năm đó tôi đã ba mươi sáu tuổi, trường hợp của hai mẹ con tôi được xem như là một kỳ tích. Tuy vậy, quyết định đưa đàn con đi định cư ở một đất nước xa xôi khiến Ba tôi ray rứt nhiều ngày tháng, sau khi đến Mỹ. Thực tế chẳng bao giờ giống như mình tưởng tượng. Những lá thư từ bạn bè, người thân gởi về trình bày hoàn cảnh nơi sống mới không chính xác, thật ra, họ cũng chẳng am tường gì cho lắm. Mấy cha con tôi lê thê lếch thếch ra đi, ra khỏi nước bằng máy bay hẳn hoi, không phải vượt rừng, vượt đại dương gì cho cam go.

Những tháng ngày đầu tiên trên đất Mỹ thật gian nan, Má tôi vì lý do sức khoẻ đã không cùng đi với gia đình vào năm đó. Dưới sự dìu dắt của Ba, tôi vừa làm chị vừa quán xuyến việc nhà thay cho mẹ. Tôi đã phải vật lộn với cơm áo và ngôn ngữ để vươn lên và tồn tại trong xã hội mới này. Mỗi ngày tôi đã phải làm việc 12 tiếng đồng hồ, lái xe đi và về gần 3 giờ. Ba tôi dù tuổi đã cao, cũng kiếm được một việc làm gần nhà. Những lúc rảnh, Ba còn giúp tôi chăm sóc đứa cháu ngoại. Vốn thấm nhuần giáo lý nhà Phật, Ba dạy cho con gái tôi nên làm điều thiện, tránh điều ác; giảng cho cháu thế nào là nhân quả, luân hồi và lòng vị tha. Sau này, cả hai mẹ con tôi đều chịu ảnh hưởng quan niệm sống của Ba tôi rất sâu đậm.

Tôi nhớ rõ ràng, sáu người người trong gia đình tôi đặt chân đến vùng đất tự do này với vẻn vẹn hai trăm đô la trong túi, không kể là biết bao nợ nần còn vương vấn nơi quê nhà. Vậy mà cái xách tay đựng tiền đó, tôi đành đoạn bỏ quên trên máy bay khi chuyển phi trường ở Los Angeles. Máy phóng thanh réo tên mình oang oang tôi cũng chẳng nghe được, đến khi có nhân viên của chương trình IOM đến giúp đỡ, tôi trình bày đúng những gì trong xách tay của mình, và được hoàn lại nhanh chóng, dễ dàng. Buổi tối đặt chân lên đất Mỹ, tiếng Anh đầu tiên tôi xử dụng là lắp bắp hai chữ “Thank you” trong ràn rụa nước mắt.

Mấy cha con sau một đêm nghỉ lại ở một hotel sang trọng, món gà chiên cho buổi ăn tối đầu tiên nơi xứ người đã khiến chúng tôi muốn ói vì chưa quen với mùi bơ. Cả nhà ăn tạm bánh tráng, bánh in mang từ VN sang, trong ba lô. Sáng hôm sau, chúng tôi được lên máy bay qua Denver rồi về Georgia. Chỗ ở đầu tiên là căn nhà ngay trung tâm thành phố Atlanta.

Ngày ngày chúng tôi đón xe bus đi học tiếng Anh, học chữ và học cả cách giao tiếp. Mỗi học sinh có mặt trong buổi học trước khi ra về được cô giáo cho hai đồng token, là loại tiền để dùng trả cho xe bus hoặc tàu điện ngầm, đó là một cách khuyến khích những người di dân đến với lớp dạy tiếng Anh. Chúng tôi vừa học sinh ngữ vừa lo học lái xe, những tháng đầu, cuối tuần nào cũng có môt vài người Việt đến thăm và chở chúng tôi đi chợ mua thức ăn, có người mang gạo, nước mắm, bánh mì hay thịt hộp đến cho. Thỉnh thoảng có người từ các cơ quan từ thiện đến đưa chúng tôi đi nhận áo quần ở những nơi bán áo quần cũ. Mỗi người trong gia đình được phát một cái bao nylon loại lớn, đi vòng vòng trong tiệm tha hồ chọn những món mình ưa thích, miễn sao đầy bao là được. Chị em tôi tham lam chọn toàn là đồ vest, com lê dày cộm, cháu bé con gái tôi thì ôm vô số gấu nhồi bông, búp bê… Ai cũng mừng rỡ vì khỏi phải chi tiền ra mà có đồ dùng, tiết kiệm được những đồng tiền trợ cấp, ai cũng vui.

Tôi nhớ có lần tôi đi chợ, muốn mua một cái chổi quét nhà mà ngần ngừ mãi, giá một cái chổi là $7, tôi nhẩm tính ra tiền VN mà hoảng hồn, không dám mua. Vậy mà Ba tôi  một lần đi chợ, dám mua một bộ dao kéo, tông đơ điện để cắt tóc, tôi nhớ dạo đó chừng $19.99, thật là một khoản tiền khá lớn, Ba tôi giải thích: Nhà có hai người đàn ông, mỗi lần ra tiệm cắt tóc mất cũng hai ba chục rồi, chưa kể là phải nhờ người ta chở đi nữa. Mình cắt môt vài lần là lấy lại vốn. Sau khi Ba tôi nghiên cứu tập giấy kèm trong bộ đồ nghề về hướng dẫn cách xử dụng, ông đem tự điển Bách Khoa Toàn Thư ra tra tới, tra lui, thái độ rất tự tin, vui vẻ, yêu đời.

Thế là một ngày đẹp trời, Ba tôi hy sinh làm người mẫu cho chị em tôi luyện tay nghề. Đầu tiên là cô gái út, nổi tiếng khéo tay và từng là thợ cắt Âu phục bên VN. Không biết sao, mới cắm điện vào, đưa một phát, đầu tóc ba tôi bên phải trắng hếu. Con nhỏ hoảng hồn la lên:

- Chết, sao nó ủi nhanh quá vậy.

Con bé lấy cái kéo sửa tới sửa lui, nó lẩm bẩm, cắt bằng kéo coi bộ chắc ăn hơn. Hì hục cả buổi con nhỏ vẫn chưa dám đưa cái gương cho Ba tôi soi. Cô em kế ngồi nhìn em mình làm thợ cắt tóc, coi bộ không xong bèn làm khôn lên tiếng:

- Để tau, tông đơ bằng điện mà, mi giởn hoài.

Cô bé cẩn thận để cái lược lên rồi mới bấm tong đơ, vèo… liếm sát da đầu, trắng hếu nửa.

- Kỳ ghê ta!

Con nhỏ sửa tới sửa lui, chê:

- Ui, cái đầu Ba mình bị méo nên khó cắt cho đẹp.

Cậu em tôi chê hai con em gái không biết xử dụng đồ nghề bằng điện, nó cũng thử tay nghề, húi một phát, phía trước, mặt tiền của Ba tôi bị xẹt một phát, bên cao bên thấp. Đến phiên tôi ra tay nữa thì trời ơi, trông Ba tôi ngố như một người thường trú ở bệnh viện tâm thần đi lạc ra ngoài. Vậy mà Ba tôi soi gương, dòm khuôn mặt khùng khùng của mình rồi cười cười:

- Kệ, xấu mặt thì lâu, xấu đầu mấy lúc, mai mốt tóc dài ra mấy hồi.

Thằng em trai nhìn thấy mái tóc quái đản của Ba tôi thì e dè. Không dám chê, không dám phê bình, ngậm ngùi leo lên ghế ngồi đưa đầu tóc cho ba đứa tôi thực hành tiếp. Hắn khôn ngoan phán cho một câu:

Cắt tự do, đi ra ngoài… tui đội mũ lên là chắc ăn nhất.

Tôi thương cái tính của Ba tôi dễ dãi, hiền hòa, ông chẳng những không phàn nàn về mái tóc không giống ai của mình mà còn lạc quan kể về những ngày mới vào trại cải tạo. Trên đó cũng đâu có ai biết cắt tóc là gì. Có một chú vì quá ốm yếu, không đi ra ngoài lao động được nên khi cán bộ hỏi ai biết cắt tóc, chú giơ tay lên. Hy vọng làm chức thợ cạo này được nhàn nhã một chút. Đồ nghề giao cho chú chỉ là một cái kéo cùn. Ba tôi kể, khi chú nhắp nhắp, cắt tới cắt lui xong cái đầu tóc thì đúng là cha mẹ còn nhận không ra nữa, đừng nói gì chính đương sự.

Vậy đó nên khi được đám thợ không chuyên nghiệp là bầy con của ông với dụng cụ cắt tóc bằng điện quá văn minh, ba tôi chấp nhận làm người mẫu cho chị em tôi dài dài suốt hơn hai mươi năm. Đến nay, em gái út tôi đã có bằng cắt tóc, con nhỏ chỉ cắt tóc cho người nhà. Ba vẫn là người mẫu trung thành, dễ dãi, dễ thương nhất trên đời.

Nhớ ngày ấy, nơi chúng tôi ở là vùng ít bóng dáng người Việt Nam. Hội Từ Thiện đã mướn nhà cho gia đình tôi căn nhà nhỏ ở tạm, chắc là vì giá nhà quá rẻ. Mỗi ngày đón xe buýt đi học Anh Ngữ về, mấy chị em từ xe buýt nhảy xuống, lội bộ thêm chừng năm phút mới đến nhà. Quãng đường không xa nhưng đây là quãng đường thích thú của chúng tôi, vì khi đi bộ, thấy người ta có nhiều món đồ cũ đem ra để trước mặt nhà, có người dán tờ giấy “FREE”, nghĩa là...đồ cho không, biếu không! Ai cần thì cứ việc mang về xài. Ngày nào chúng tôi cũng lượm lặt đuợc vài món. Khi thì cái bàn nhỏ, lúc thì cái kệ để TV, vài cái đèn ngủ … Một hôm, đi ngang qua khu vườn của một người da màu, thoang thoảng nghe hương thơm dìu dịu của rau húng. Mấy chị em lục lọi trong đám cỏ vừa mới cắt, thì ra có vô số rau húng mọc lẩn trong cỏ. Mấy đứa nhìn nhau cười, nét hân hoan hiện rỏ trên mặt như gặp người quen. Cái cảm giác mà văn thi sĩ gọi là “tha hương ngộ cố tri”.

Về nhà, tôi nói liền với Ba:

- Ba ơi, đất ở đây chắc dể trồng trọt, con thấy có rau húng mọc hoang trong cỏ.

- Ôi cha, thôi con ơi, Ba làm gì cũng được nhưng miển cái vụ trồng tỉa nghe.

Tôi tròn mắt:

- Răng rứa Ba?

- À, thì…hôì xưa tới giờ, mỗi lần bà Nội con giú chuối trong khạp cho chín, hể Ba ngó tới là kể như nó héo hon, không chín được. Bà Nội nói Ba rắn mắt, không trồng cây, không làm dưa, không…

- Xời ơi, rứa mười mấy năm cải tạo Ba không trồng được rau, lấy chi mà ăn?

- Ba làm thợ đan giỏ, đan rổ tre, sau đó tụi nó đồn ba là Kỹ Sư Đường (Ba tôi xưa kia làm ở Ty Công Chánh thành phố Đà Nẵng) nên khi Trại có cái lò nấu đường bát, cán bộ bắt Ba qua nấu đường. Từ đường sá, cầu cống Ba qua làm ông thợ, nấu mía thành đường ngon lành… Ba đổi đường lấy rau ăn, cần chi phải trồng với trọt?

Thế là sau đó Ba tôi say sưa ca đi ca lại bản nhạc “Hồi đó, trong trại cải tạo….” Ba cứ khăng khăng là không có tay trồng trọt. Tôi không tin, phần thì ăn xà lách hoài cũng ngán, chúng tôi thèm những thứ rau có mùi, mang hương vị quê nhà. Thử tưởng tượng ăn thịt gà trộn muối tiêu mà không có rau răm, ăn bánh tráng cuốn thịt ba rọi cũng chỉ với xà lách. Hành ngò thì cũng có nhưng khá đắt, kể cả những thứ rau mùi cũng có bán ở chợ Việt Nam, chợ Thái Lan nhưng rất mắc và quan trọng là không có ai chở mình đi chợ. Tôi lải nhải nhắc Ba: "Không có việc gì khó, chỉ sợ mình… không trồng!"

Một hôm, có người quen biếu Ba mấy dây khổ qua con, Ba đem ra sau vườn cắm xuống đất một cách bất đắc dỉ, ngày ngày Ba ra tưới nước, thăm chừng một cách e dè, khổ sở. Dây khổ qua be bé như hiểu được nổi khổ của Ba nên vươn vai lớn mạnh mẻ. Ba nhặt nhạnh mấy cành cây khô gác lên làm giàn. Cái giàn đơn sơ đón nhận những ngọn khổ qua với nhiều nụ vàng dể thương. Đến khi mấy trái khổ qua nhỏ xíu, e ấp lẩn trong đám lá xanh mướt thì nụ cười của Ba như trọn vẹn hơn. Sau đó, mỗi khi “được” chở đi ăn phở, Ba len lén gói vài cọng rau quế vào trong giấy, về nhà tỉ mỉ đem ngâm vào ly nước cho tươi rồi trồng vào cái chậu nhỏ, Ba bón xác trà và tưới nước đều đặn, gặp ai cũng hỏi thăm mua phân bón ở đâu… Ba vì nhu cầu “ăn uống” của mấy đứa con mà hết lòng hết sức với mấy cây rau thơm, mấy cây ớt. Dần dà, vườn rau nhỏ của Ba với dây khổ qua, vài cây ớt, rau quế, rau húng…lại là niềm đam mê và tự hào của Ba.

Ba năm sau khi định cư ở quê hương mới này tôi đi mua căn nhà mới, chính là căn nhà tôi đang ở bây giờ. Hai cha con chọn nhà có sân sau bằng phẳng. Ba ra sức cuốc thêm ra phía sau, lấn vào bìa rừng để mở mang “bờ cõi”. Đất ở Georgia là vùng đồi núi nên toàn là đất đỏ lẩn với đá. Ba miệt mài “có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Sân sau nhà tôi sau nhiều năm trồng trọt bây giờ là vườn rau với đấy đủ những thứ cần thiết. Nào là dưa leo, mướp, bí đỏ, bí đao, rau muống, rau lang, đậu bắp, rau thơm các loại, diếp cá, ớt, tía tô, khổ qua, đậu ve, rau mồng tơi, dền…là những thứ trồng vào mùa xuân, ăn suốt mùa hè, mùa thu. Đầu mùa thu Ba còn tỉa được ngò rí và rau cải con, cải bẹ xanh để ăn bánh xèo. Những dịp này, buổi sáng ra vườn rau, hương của các loại rau thơm, ngò…tỏa lên ngan ngát, dịu dàng khiến tâm hồn khoan khoái thật dể chịu. Ba còn ra công đào một rảnh nước song song theo những luống rau, dưới đó Ba thả vài nhánh ngò ôm tức là rau ngổ, bên cạnh là đám bạc hà, hai thứ để nấu canh chua.

Ba tận dụng mảnh đất sau nhà làm thành một vườn rau rất tươi tốt, ngăn nắp. Giàn khổ qua phải cách xa giàn mướp ngọt một khoảnh sân, vì ngọt đắng là hai vị khắc nhau, rau quế là thứ kén nhất nên ưu tiên được “ngồi” trong chậu. Dây bí đỏ không lên giàn mà được thả cho bò lên đồi, như vậy chịu được mấy chục quả bí nặng nề, chắc nụi. Rau thơm và diếp cá, rau răm được sắp xếp ở gần nhau trông rất đoàn kết. Ba nói, mỗi khi cần ăn rau sống, đem rổ ra cắt một loạt là có đủ các thứ rau thơm không cần đi đâu xa. Rau muống là thứ thích nước nên Ba trồng ô rau muống ở giữa hai rảnh nước, những cọng rau muống xanh mướt thấy mà ham!

Bao nhiêu tiền con cái cho Ba vào những dịp lể, Tết Ba đều để dành mua dụng cụ làm vườn, mua phân bón.

Cách đây cả chục năm, khi khu nhà này đang còn xây dựng Ba thường lang thang vào xóm trong, nhặt những mảnh gổ, khúc cây… sau đó ra Home Depot mua thêm một ít ván, Ba chăm chỉ đẻo đục, đo đạc… cuối cùng dựng lên được một căn nhà nhỏ ở góc vườn. Căn nhà làm theo kiểu ông bà thuở xưa, có cột kèo làm bằng mộng, không phải đóng đinh, có hai mái, có cửa chính, cửa sổ. Bên trong có hai dảy kệ để Ba chứa đồ đạc làm vườn, phân bón, máy cắt cỏ, một dạng như căn nhà kho của Ba. Bên ngoài ông còn làm cái khóa rất kiên cố.

Trải qua bao mùa mưa nắng, tuyết phủ, căn nhà nơi góc vườn của Ba tôi vẩn rất chắc chắn, hiên ngang chịu đựng. Đám con cháu khen ngợi, ông thường hảnh diện: "Nhà lầu mấy tầng, cầu treo qua núi ông Ngoại còn làm được, dể như chơi, huống chi thứ nhà nhỏ này". Hình như bao nhiêu kiến thức thời Ba học ở trường Công Chánh năm xưa nay được ông đem ra áp dụng, tuy thất cơ lở vận nhưng Ba tôi không thất chí nản lòng. Điều này thật đáng để chúng tôi ghi nhớ, noi gương và nhớ đến Ba với muôn vàn hảnh diện.

Vườn rau của Ba tôi mỗi năm thêm xanh tốt, mùa hè ông say sưa với mảnh đất nhỏ mà quên ăn quên ngủ, không ngại nắng mưa. Chúng tôi ủng hộ Ba bằng cách hăng hái chở Ba đi mua phân, mua đất xốp, thêm chuyện trả tiền nước hằng tháng không cằn nhằn. Má tôi thì động viên bằng cách siêng năng đếm từng trái bí, trái mướp. Mỗi khi Ba cắt rau để đầy trong tủ lạnh, chia cho con cháu ăn không hết thì Má chịu khó bỏ vào bịch nylon, buổi sáng sau khi đi bộ về, Má rủ vài người bạn già ghé qua khoe vườn rau và chia phần. Vườn rau nhỏ mang lại niềm vui cho nhiều người.

Ba tôi thường ví von chăm sóc vườn rau như nuôi bầy con. Có đứa dể nuôi, không chăm sóc nhiều cũng lớn vùn vụt, mạnh mẻ ra đời thành công; có đứa cần phải o bế tỉ mỉ mới lớn, cũng có đứa cưng chiều quá mức thì lại ốm o hư hỏng, đem lại cho mình nổi buồn phiền. Rau quả ngoài vườn của Ba cũng vậy, có thứ thả lơ lửng vẫn tươi tốt cho ra hoa, ra quả ngon lành; có thứ được tưới nhiều nước, bón phân đều đặn lại èo uột, quắt queo. Ba tôi trồng rau với cả tấm lòng như thế. Dây bí đao mùa này yếu ớt, Ba tôi đâm lo như thấy đứa con bị bệnh, mỗi ngày tưới nước Ba đếm từng cái lá, hôm qua được mười bảy lá, hôm nay héo mất một lá rồi. Ba hỏi thăm người này người nọ lý do tại sao, Ba xem lịch VN coi có phải tại tiết trời quá độc, cây cỏ cũng hư hao, nhà nông gọi là mất mùa… Dây bí đao đã không phụ lòng Ba, dây bí nhỏ xíu mà cho ra quá nhiều trái, tròn trịa như một bầy heo con.

Ngày hè, chừng mười một giờ trưa là Ba ra nhà sau, lấy cạc tông che nắng cho đám rau, chiều về bớt nắng Ba dở ra, săm se từng ngọn rau, từng cái lá. Mùa đông, Ba theo dỏi dự báo thời tiết trên TV để thu hoạch hết ngoài vườn trước khi những đợt gió lạnh tràn về. Có lần Ba tiếc mấy cây ớt còn đầy trái, bụi sả tốt tươi chưa muốn nhổ thì tuyết rơi, tuy không nhiều lắm nhưng cũng thừa sức làm đám rau của Ba héo hon ủ dột. Đứng trong nhà nhìn qua khung cửa kính, Ba chép miệng liên tục, thương cho vườn rau bị nhiểm lạnh.

Ba tôi là thế, việc gì làm Ba cũng bỏ hết tâm trí vào, Ba nói có như thế mới đạt được kết quả, bằng ngược lại mình cũng không lấy làm buồn vì dù sao mình cũng đã hết lòng hết sức, coi như “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” là ý trời mà, buồn làm gì.

Ba tôi sống lạc quan, nhẹ nhàng theo quan niệm Phật Pháp. Luôn có ý thức về sự vô thường, ngắn ngủi của một kiếp người nên cách hành xử của Ba tôi cũng sâu sắc, luôn trân trọng những niềm vui hiện tại. Ba tôi chăm sóc vườn rau mà đặt cảm tình vào như đang nuôi đàn con.

Vườn rau là niềm vui tuổi già của Ba, không những đem lại lợi tức nho nhỏ hàng ngày, mà qua đó, những suy tư của Ba cũng triết lý theo từng mầm xanh đang nảy nở mỗi ngày, bao muộn phiền như tan biến. Tôi tự hào mình là người đã “khuyến khích” Ba bước vào con đường trồng trọt này. Nhìn dáng Ba cặm cụi bên những luống rau, dây bí, giàn mướp tôi ao ước cho Ba tôi mãi mãi có sức khỏe bên cạnh người bạn đời, ngoài niềm vui với gia đình, con cháu còn vui với cỏ cây. Mong cho những ngày tuổi già của Ba được thanh thản, nhẹ nhàng như quan niệm sống đầy bao dung của Ba vậy.

Nhắc đến Ba má thì tôi không thể nào quên một câu chuyện, đó là một chiều cuối tuần đầu tháng Sáu, cách đây đã mười năm…

Chuông điện thoại reo.

- Con rảnh không, chở Ba má đi shopping?

Tôi giật mình, suýt làm rơi cái điện thoại xuống đất. Thường thì Ba Má tôi nhờ chở đi Chùa, đi chợ hoặc đi Bác sĩ. Tôi chưa bao giờ nghe Ba Má tôi muốn đi shopping. Tôi hỏi lại một lần nữa cho chắc ăn:

- Dạ, đi đâu Ba?

- Đi Mall.

Rồi không đợi tôi điều tra thêm, Ba tôi nhỏ nhẹ giải thích:

- Ba muốn đưa Má con đi Mall để mua tặng Má con món quà kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới.

Ôi, đúng là Ba tôi, môt người đàn ông Việt Nam vô cùng lãng mạn, dù tuổi đời đã hơn tám mươi.

Thuở tôi còn bé và cả khi tôi đến tuổi cần để xây dựng hình tượng một người đàn ông cho đời mình, tôi vẫn mong ước đó sẽ là một người chồng, một người cha giống hệt Ba tôi vậy. Tôi nhớ những khi Ba Má tôi có chuyện cãi nhau, Má tôi lúc nào cũng nóng nảy hay hờn giận; trong khi Ba tôi lúc nào cũng nhỏ nhẹ “Mình ơi, mình hởi” ngọt xớt. Ngày Ba Má tôi có cơ hội đoàn tụ thì tuổi đã cao, sức khỏe cũng theo thời gian mà giảm sút nhưng tình yêu của Ba dành cho Má vẫn tràn đầy, ấm áp. Tôi đã nhìn thấy ánh mắt long lanh niềm hạnh phúc của Má khi nhận món quà kỷ niệm ngày cưới từ người chồng năm mươi năm mà Má thường đánh giá là “xấu trai, con nhà nghèo nhưng... học giỏi”. Cuộc hôn nhân kéo dài tính đến nay đã hơn sáu mươi năm với tám người con, bốn trai, bốn gái, Ba Má tôi và các con dĩ nhiên cũng trải qua những cơn sóng trong gia đình, cũng trải qua bao thăng trầm của thế cuộc nhưng dù bất cứ điều gì xảy ra, tận đáy lòng tôi, Ba vẫn là một người dàn ông mẫu mực tuyệt vời.

Đến năm 2012 thì cả nhà tôi các anh em, cháu nội ngoại được Ba tôi lần lượt bảo lảnh để đoàn tụ. Tuy hơi lâu vì ngày tuyên thệ quốc tịch của Ba bị trì hoản, lý do: Ngón tay trỏ của Ba bị tai nạn lao động ở chổ làm, cắt cụt mất một lóng nên khó khăn trong việc lấy dấu tay, phải làm tới làm lui mấy lần. Thời gian chờ đợi quả là thăm thẳm, mỗi khi có tin tức bên nhà lộn xộn là Ba má lo canh cánh. Tội nghiệp nhất là những mùa đông giá buốt, nếu Ba có cảm lạnh hay sốt, ho là Ba lo uống thuốc, chăm sóc bản thân, khi thắp hương trên bàn thờ Phật thì lẩm bẩm hoài:

- Cho tui mạnh giỏi để đón mấy đứa con đứa cháu qua sum họp, đừng kêu tui đi sớm nghe ông bà.

- Ôi nghe mà xót cả ruột!

Đợt cuối cùng đón người nhà từ VN qua, trong bửa cơm đoàn viên, Ba tôi thắp nhang ở bàn thờ Phật xong và nói trong nước mắt:

- Bây giờ Ba có chết cũng yên tâm, cả nhà mình ở đây hết rồi, cháu nội cháu ngoại Ba đứa nào cũng có cơ hội học hành, làm ăn đàng hoàng. Ba hoàn thành tâm niệm rồi, cảm ơn Trời Phật!

Tôi không biết các anh, em tôi khi nghe câu nói này, cảm giác như thế nào chứ riêng tôi, thật là đứt ruột!

Năm này Ba tôi đã 88 tuổi, mắt mờ, tai nghểnh ngãng, thần thái không còn tươi. Ba mang đầy đủ các chứng bịnh của người già, ngủ li bì cả ngày. Sau một lần đi ra ngoài không nhớ đường về nhà thì Ba như rơi vào trạng thái trầm cảm, biếng ăn, lặng lẽ đến ngạc nhiên.

Mùa hè đang đến, những lúc nhìn ánh mắt mờ đục của Ba khi ngắm khu vườn sau nhà không còn xanh mướt nhiều loại cây quả nữa, tôi thật quá đau lòng. Má tôi đi ngoại giao hàng xóm, xin về mấy gốc cây con Ba cũng không màng chăm bón. Những thú vui đọc sách, xem TV...ba cũng lơ là hẳn, không còn lạc quan thuởng thức cuộc sống như trước kia.

Còn đâu giọng nói sang sảng kể chuyển tù cải tạo, còn đâu hình ảnh Ba cặm cụi bên những luống rau, săm se những búp non hay tỉ mỉ sửa sọan những quả mướp, quả khổ qua mơn mởn, lủng lẳng trên giàn. Ba giờ đây lúc nhớ, lúc quên, chẳng còn biết phân biệt thời gian. Suốt ngày Ba lục lọi, tìm kiếm; nếu hỏi: Ba kiếm gì vậy? Câu trả lời: Ờ, không biết Ba kiếm gì nửa! Khuôn mặt, ánh mắt Ba lúc ấy ngơ ngẩn như một đứa trẻ. Trông thật tội. Vậy mà con cháu mời ăn một món gì là ông cứ buộc miệng hỏi: Má ăn chưa? Má đâu rồi? Một đời Ba tôi, lúc nào cũng nghĩ đến vợ con trước hết, quên cả bản thân mình.

Tôi không là một phụ nữ may mắn về đường tình duyên nhưng tôi cảm nhận mình là một người hạnh phúc. Và lẩn lộn trong vùng trời kỷ niệm của đời mình, tôi chợt nhận ra hình ảnh của Ba tôi lúc nào cũng hiện hữu bên cạnh tôi như một cái bóng khi vui khi buồn. Cùng tôi đi du lịch, cùng ngồi xem giải vô địch bóng đá, cùng bàn bạc chuyện nhân tình thế thái, chuyện thời sự đó đây… Ba tôi là thế, đơn giản mà gần gủi; chiếc bóng của Ba đã phủ trùm lên cuộc đời tôi mãi mãi và duy nhất, không có gì thay thế được. Tôi biết rằng không có ngôn từ nào có thể diễn tả đầy đủ về lòng biết ơn của con cái đối với bậc cha mẹ, không có tặng phẩm vật chất nào xứng đáng, có đủ ý nghĩa để tặng cha mẹ trong các ngày Lễ Trọng. Tôi cầu mong cho Ba Má tôi luôn khoẻ mạnh, vui vẻ thanh thản tâm hồn trong những tháng năm còn lại của cuộc đời, như quan niệm sống của Ba vậy.

Mỗi một ngày qua đi, bình minh rồi hòang hôn...tôi dành phần sâu thẳm trong trái tim tạ ơn đất nước đầy tình người và bao dung này đã cưu mang gia đình tôi.

Cám ơn Ba, cám ơn cuộc đời đã cho tôi một món quà vô giá mà không phải thế gian này ai ai cũng may mắn có được.

Atlanta, June 2016

Nguyễn Diệu Anh Trinh
 

No comments:

Post a Comment