Friday, June 5, 2020

Duy Xuyên-Cảm nhận về bài thơ Mộng Du của HÀ NHUNG

Cảm nhận về bài thơ
Mộng Du của HÀ NHUNG

Vài dòng giới thiệu về tác giả:

Hà Nhung là cựu nữ sinh lớp 7/75 của Trường Nữ Trung Học Huyền Trân Nha Trang.
Tính đến ngày nay và vào giây phút này, Hà Nhung vẫn còn là một nữ sinh thành viên trẻ nhất trong Diễn Đàn Võ Tánh & Nữ Trung Học Huyền Trân Nha Trang.
  
Trước hết xin mời Quý độc giả, đọc bài thơ họa Mộng Du của Hà Nhung:

MỘNG DU

Trong giấc mộng du bên hiên cũ
Anh có thấy vạt nắng nhẹ lơn
Đủ mơn man cho ngày thêm ấm
Sưởi hồn anh bớt cõi sầu miên

Thương nhớ ấy sao vừa chén rượu
Vấn vương xưa đã “kết thành thơ”
Đêm trừ tịch không trăng soi lối
Em vẫn sáng một góc thơ tình

Mộng mị ấy ngát hương ngày cũ
Quyện tơ trời thổi gió về xuôi
Anh đứng đó lòng như lướt sóng
Theo khúc nghê thường ngắm bóng xưa

Rượu chưa say, canh dài anh thức
Người chưa ngủ gọi bóng rèm lay
Nghe trong hơi gió xôn xao tiếng
Em khúc khích cười, anh ngỡ trăng

Em đi tận chốn phiêu bồng ấy
Vẫn để trong anh thềm trăng cũ
Hương thơm vóc ngọc che sầu nhớ
Sưởi ấm hồn anh giấc Mộng Du.

Hà Nhung, tháng Năm 21/2020


Bài thơ trên theo thể loại vô cùng lãng mạn nhưng người làm thơ cũng đã biết dừng lại để trở về tư tưởng cổ diển, vừa đoan trang, vừa thanh khiết như một nhà giáo luôn giữ đuợc cho thân phận mình thanh cao mà giá trị học đường là nền tảng của nhà giáo.

Mấy hôm nay, không biết từ đâu, có đàn chim se sẻ nhỏ bay về đây, thành phố Tacoma, nơi tôi đang cư ngụ. Từng ngày trôi qua buồn hiu vì nắng đi hoang chưa về, bỏ tôi ngồi uống cà phê cô đơn một mình.
Bỗng nhiên, sáng nay, nắng lung linh giọt nhớ trong vườn nhà tôi. Tiếng chim ríu rít bên giàn hoa giấy đỏ thẩm. Những đóa hồng nở rộ khoe sắc thắm.
Người Cổ Tích lắng đọc từng chữ, từng lời thơ, để nghiệm ra rằng Tiếng Thơ trong bài thơ Mộng Du của Hà Nhung đã để lại trong tôi một thoáng hương hoa dịu dàng. Tiếng thơ mượt mà, óng ả như màu lá me non đang vang vọng trong nắng sớm, hòa quyện với tiếng thơ diệu vợi trong tác phẩm Mộng Du, lời thơ vừa réo rắt, vừa ngọt lịm và ngây ngất như giọt cà phê trên vành môi người đang thưởng thức lời thơ qua tâm tình ấy.

Trong giấc mộng du bên hiên cũ
Anh có thấy vạt nắng nhẹ lơn
Đủ mơn man cho ngày thêm ấm
Sưởi hồn anh bớt cõi sầu miên

Thơ Hà Nhung vô cùng lãng mạn trong chất thơ nhưng ý niệm lại luôn hướng về thi ca cổ điển. Tiếng thơ như sóng vỡ tràn bờ, mà Hà Nhung đã buông xõa tâm tư theo những ý nghĩ buông lõng mà nhà thơ chưa cần dùng lý trí đễ kềm hãm con tim.

Hãy nghe ngôn ngữ có tính chất lãng mạn:

Thương nhớ ấy sao vừa chén rượu
Vấn vương xưa đã "kết thành thơ"

Chao ôi! Lời thơ sao mà mộng mị quá!
Vấn vương uống rượu tiêu sầu nhưng chén rượu chưa làm quên được bóng dáng xưa mà thơ đã hòa chung với hoài niệm để gợi nhớ người xưa về trong chung rượu.
Thật vậy, thơ đã làm tôi ngây ngất say. Tôi chưa say vì rượu, vì rượu tôi chưa uống đã say, đã ngẫn ngơ vì chất thơ len lén vào cõi buồn!
Thật buồn!
Không còn ý niệm nào lãng mạn bằng hai câu thơ trên.
  
Người Cổ Tích ngẫn ngơ theo tiếng thơ thật êm ái ở những lời thì thầm mà Hà Nhung đã viết lên một bài thơ mà nửa câu thơ này thì lãng mạn “Vẫn để trong anh” ...  rồi tiếp đến lời thơ trở về vừa cổ điển, vừa hiện thực “thềm trăng cũ”.
Không những chỉ một câu thơ này, mà người làm thơ đã đưa ta về chốn nửa mê, nửa tỉnh:

Nghe trong hơi gió xôn xao tiếng
Em khúc khích cười, anh ngỡ trăng

Lời thơ đã 'nhân cách hóa', được thể hiện vô cùng táo bạo vì lẽ từ trước đến giờ chưa ai ví 'trăng cười' như thế này.
Âm điệu của tiếng thơ như dòng suối, như tiếng khúc khích cười của trăng, rủ nhau trôi ra biển khơi và trăm ý thơ đã cùng hòa với sóng nước mênh mông, tiếng thơ xuôi dòng thênh thang như cung bậc trong Mộng Du thật thanh cao và vô cùng mộng mị!
Rồi lời thơ ngậm ngùi, như thì thầm tiếc nuối, giấc mơ đã xa lắm rồi! Mà hoài niệm tưởng chừng như vỡ tan trong tiếng nức nở nghẹn ngào:

Rượu chưa say canh dài anh thức
Người chưa ngủ gọi bóng rèm lay

Tôi nghe cô đơn trên đỉnh đồi Hill Top. Nơi tôi ở, đêm nay mù sương. Không trăng sao! Tôi chờ nghe tiếng trăng khúc khích cười trong vô vọng của niềm đau nỗi nhớ!  Tôi cũng đã hòa một vài giọt nước mắt bởi tiếng thơ diễn tả quá truyền cảm như có thật, có người mộng du tay vẫn cầm vững chén rượu sầu và ngay bây giờ, giữa tiếng thơ thật GIAO CẢM với tâm tư người đọc.

Hà Nhung không phải là nhà thơ chuyên nghiệp nhưng tôi thấy Hà Nhung, với nỗi xúc động như chính mình là người trong thơ, xa xưa của một thuở nào đó! Tiếng thơ đã diễn tả như tiếng reo của dặm nhớ. Tiếng thơ, nói lên nỗi day dứt, tiếc nhớ “người xưa giờ đã thật xa, nhưng chỉ trong phút chốc, mềm mại như mây nõn bỗng vút cao, nghe khắc khoải:

Em đi tận chốn phiêu bồng ấy
Vẫn để trong anh thềm trăng cũ

Phải rồi, người xưa đã đi thật xa về chốn phiêu bồng mà nàng vẫn còn để lại vóc dáng mình bên thềm trăng cũ, để nỗi nhớ dai dẳng còn đây.

Lời thơ như sương khói mông lung nỗi nhớ! Tiếng thơ lay lắt như lá thu phai rồi năm tháng mãi đi qua bên thềm trăng cũ, người đã đi xa thật xa "Em đi tận chốn phiêu bồng ấy" ...

À! Phải rồi! Em nữ sinh lớp 7/75, chừng 12-13 tuổi, nõn nà như hoa gạo, đang nhảy cò cò trên góc đường Nhà Thờ, bỗng chốc đỏ sụp, rồi em về Xóm Hộ, rồi ngọn dừa cao, xum xuê, đã che mưa, che nắng, để em có được nỗi nhớ hôm nay...

Tiếng giảng bài của cô giáo như đưa ta về cõi mộng mà bụi hồng, phấn trắng, bảng đen đã làm nhiều người, trong đêm nay nước mắt rơi rơi, có giọt buồn khoảnh khắc trong khe tim đang vỡ vụn.

Rồi lòng tôi lại chùng xuống; bước từng bước, tìm đến ngôi trường xưa, có ông cai Phù, người Nghệ An, nhà ở góc đường Kim Sơn, đang đứng ở cổng trường Huyền Trân, chờ tiếng trống giục giã, mở tung cánh cửa sắt, và đàn bướm hớn hở ùa ra khi tan trường.

Tôi ngất đi trong hiện tại và trả mộng du về quá khứ hoang đường.

Và tiếng thơ lại tha thiết, như lời vỗ về ấm áp, chân tình đem lại niềm lạc quan, một không gian rộng mở:

Đêm trừ tịch không trăng soi lối
Em vẫn sáng một góc thơ tình

Hạ Vy! Bây giờ em đâu rồi?
Hồi đó, hai đứa mình thức canh thùng bánh tét Mẹ đã nấu trong Đêm Trừ Tịch.
Hạ Vy đã bẻ đôi  một góc bánh Quế, em mớm cho anh. Anh đã cắn ngón tay em thật lâu! Một chập lâu sau, ahh buông ngón tay em ra.
Hạ Vy giả vờ khóc, rồi hỏi anh:
"Em bắt đền anh đó! Sao anh không cắn tay em nữa đi!"
À! bây giờ mà có em, anh sẽ cắn nát cả năm ngón tay, nhỏ xíu, trắng nõn đó, ra thành trăm mảnh vụn, để giờ đây, bớt nhớ bớt thương!  

Tiếng thơ của Hà Nhung thật truyền cảm với ngôn ngữ nhẹ nhàng đã đưa độc giả đến với nhiều ý thơ vô cùng cảm xúc. Nào là
"Vấn vương xưa - không trăng soi lối - một góc thơ tình" rồi lại "ngát hương ngày cũ".

Chừng ấy chữ nghĩa, cũng đã quá đủ, để nói lên ngôn ngữ vô cùng trong sáng, vừa mộc mạc, hiền hòa như bài viết 'Bàng' rồi 'Tra' và 'Mộng Du' đã cho ta thấy người làm thơ thật giản dị như 'lá bàng' hay 'trái tra tím' nhưng vô cùng lãng mạn như ai đã từng cạp một nửa trái tra, nửa kia còn lại mớm trên môi hồng cho ai, rồi nghe trùng dương vạn dặm, mà cành tra đã che mưa che nắng cho hai đứa khi tan trường về!    

Đây là lời tản mạn của người viết qua bài thơ họa Mộng Du.
Tôi nghe tiếng thơ vọng về từ cõi nhớ của những tháng năm xa vời vợi, mà Hà Nhung vẫn còn là cô nữ sinh Trường Nữ Trung Học Nha Trang, bước chân chim còn dại khờ và hồn còn trinh nguyên.
Nay thì tiếng thơ hòa với tiếng giảng bài dìu dặt trong cõi đời muôn lối.
Tiếng thơ và tuổi đời trong độ tuổi sắp Lục Tuần cùng nhau kết mối giao hòa vô cùng trẻ trung!

Buổi sáng hôm nay thật đẹp, có nắng hồng bên song cửa, có màu lá nõn, và những nụ hoa e ấp …
Đẹp quá, vì có tiếng thơ, vô vàn hạnh phúc!
Một chút tâm tình như rượu say … mà vành môi chưa cạn, khe tim đang tìm suối rủ sóng về với biển khơi, xa tít nghìn trùng …
Dẫu cuộc đời như thoáng mộng du, ta vẫn vui ý đời trong thơ có nụ cười trên môi và có nụ hôn trìu mến trong căn nhà lộng gió, dưới gốc dừa của Xóm Hộ, đêm nay, đêm mai và mãi mãi trong niềm hạnh phúc vô biên.

Cảm xúc khi đọc bài thơ Mộng Du của Hà Nhung, họa lại bài thơ Mộng Du của Duy Xuyên.

Duy Xuyên
Tacoma
31/05/2020 


No comments:

Post a Comment