Wednesday, June 21, 2017

Ông nội và cháu

  Ông nội và cháu
Ông nội là cựu đại úy Việt Nam Cộng Hòa, con trai là đại úy không quân Hoa kỳ, mấy người quen thân gọi đùa cháu là Captain junior. Có hôm buổi sáng ông nội ngủ dậy khệnh khạng bước ra phòng khách, thằng con đang ăn điểm tâm đứng phắt lại giơ tay lên chào "Good morning, Sir!". Ông nội giật mình đứng lại, không suy nghĩ ông nghiêm chỉnh giơ tay lên chào. Miệng lẩm bẩm "Morning Sir!". Cả nhà cùng cười, thằng cháu nội cũng cười.

Bước ra xe, con dâu mang cái túi baby có tã, sữa, quần áo. Bà nội dìu ông nội ra, tay mang một cái giỏ. Con dâu hỏi "Mẹ mang theo gì đó?". Bà nội trả lời "Mang tã, nước và quần cho ba". Thằng con cười:


- Hai ông cháu thiệt giống nhau.

Thằng cháu đái ướt tã khóc đòi thay. Ông nội lí nhí: "Tui muốn thay tã". Con dâu vào phòng vệ sinh nữ trước. Ló đầu ra "Mẹ ! Không có ai". Bà nội dẫn ông nội vào, đẩy nhanh vô phòng toilet đóng cửa lại. Một lúc sau, bà nội đưa ông nội ra nói với con dâu: " Coi chừng ba, cho mẹ vào rửa tay". Xong xuôi, ông nội cũng sạch, cháu cũng sạch. Cả nhà lại đi dạo phố. Con trai cười cười:


- Hai ông cháu cùng vào nhà vệ sinh nữ.
*

Chơi chán cả nhà lên xe về nhà. Thằng cháu nội khóc um sùm không chịu nằm vào ghế baby. Thằng con loay hoay lo cho con nó. Bà nội đưa ông nội ngồi vào ghế trước. Ông nội cũng không chịu lên. Bà nội năn nỉ, ông cương quyết phản đối: "Tui muốn nói chuyện với đồng đội của tui, sao bà kéo tui đi". Thằng con trai hỏi lý do. Bà nội nói là đi ngang mấy người lính Mỹ ngồi uống nước, ông nội đòi ngồi lại đó nói chuyện. Thằng con dụ dỗ: ''Mai con mời họ tới nhà nói chuyện chơi với ba" Ông cương quyết bấu chặt cửa không chịu lên xe. Thằng con gỡ tay bồng ông lên, gài dây an toàn. Xe chạy, ông nội cũng ngủ, thằng cháu cũng ngủ.
*

Thằng cháu nội nhễu, nước miếng chảy lòng thòng. Ai cũng la con dâu: "Lúc có bầu bộ nhịn thèm hay sao mà thằng cu nhểu dữ vậy". Con dâu chỉ cười. Ông nội không còn nhỏ nhưng ông nội cũng nhểu. Ông nội bồng cháu, mặt quay ra đàng trước. Hai tay ông bấu thật chặt sợ cháu té. Nước miếng ông nội nhểu lòng thòng rớt từng dây trên đầu cháu. Cháu nhểu lòng thòng rớt từng dây trên tay ông. Bà nội chạy lại lau cho cả hai:

- Ông nội và cháu nhểu giống nhau.
*

Thằng cháu đứng chơi trong trong cái xe đi trẻ em. Chơi chán, nó muốn ra ngoài. Cháu la và khóc. Ông nội đang nằm bật dậy, chạy ra. Ông lại gần bồng cháu lên. Hai tay ông bíu chặt vào nách cháu lôi ra. Cháu vùng vẫy, Ông cố sức nắm. Hai bàn tay ông cuối cùng chỉ còn nắm chặt cái áo, Cháu gần rơi xuống đất. Bà nội chạy lên. Kịp thời chụp cháu. Bà nội hết hồn. Ông phân bua: "Con ai mà bỏ khóc um sùm, thiệt là tội".

- Thì ra ông còn ngái ngủ, không biết thằng bé là cháu mình.
*

Thằng cháu nội tắm trong cái bồn tắm nhỏ xíu trẻ em. Nó thích lắm, hai tay đập vào nước cười ngây thơ. Xong xuôi, cháu được lau sạch thay đồ. Con dâu nói: ''Mẹ! con xong rồi". Bà nội đem ông nội vào phòng, kéo cái ghế để vào bathtube cho ông ngồi rồi xối nước tắm rửa, kỳ cọ. Ông đưa tay vuốt mặt nói: "Mát quá! Mát quá". Bà nội tắm ông xong, lau sạch, thoa lotion và thay đồ. Ông ra ngoài, cháu đang nằm ngửa chân đạp lòng còng. Ông được dìu vào giường. Ông nằm yên, hai chân cũng nằm yên;

- Hai ông cháu sau khi tắm giống nhau.
*

Con dâu đút cho cháu nội ăn từng muỗng baby food. Cái yếm đeo trước ngực. Cháu vừa ăn vừa chơi. Thỉnh thoảng lắc đầu không chịu cho đút. Con dâu ngọt ngào: ''Giỏi nè, giỏi nè." Bà nội cũng dìu ông nội lại bàn, kéo cái ghế ngay mông ông rồi kéo ông ngồi xuống. Bà nội lấy cái tạp đề mang vào cổ cho ông rồi đút cơm cho ông ăn. Ông đôi lúc cũng lắc đầu không chịu nuốt. Bà nội năn nỉ: ''Ăn đi ông, còn vài muỗng nữa thôi. Giỏi đi ông".

- Khi ăn, ông và cháu cũng giống nhau.
*

Ông muốn bồng cháu nhưng tay ông bấu chặt quá, cháu đau, cháu khóc. Bà nội đem ông vào phòng, cho ông nằm xuống rồi đặt cháu nằm một bên. Cháu nằm trên tay ông, chân quơ lung tung, tay cầm đồ chơi bỏ vào miệng cạp liên tục. Bà nội ngồi nhìn hai ông cháu. Ông đã ngủ khò, còn cháu cứ ê a.

- Bà nội mắt cay xè, muốn khóc.
*

Thằng con nhận lệnh qua Ý công tác 3 năm. Cả nhà làm tiệc tiển đưa. Vợ chồng thằng con buồn, nước mắt ngân ngấn mi, nghĩ mấy năm xa nhà, nghĩ cha già thế này có chuyện gì không biết có về kịp không? Thằng cháu nội vẫn cười, bi bô những âm thanh không rõ tiếng. Bà nội nắm tay ông nội lại gần con nói: ''Con nó muốn nói với ông trước khi đi nè". Ông cười cười: ''Nói gì! Đi đâu? Ừ đi chơi vui vẻ". Xong ông đi vào phòng ngủ. Chả biết ông có buồn hay không. Chỉ biết khi bà nội vào phòng ông đã ngủ khò. Thằng cháu nội nằm trong ghế cũng ngủ khò.

- Hai ông cháu ngủ giống nhau.
*

Từ đất Ý, thằng con mở Webcam nói chuyện. Thằng cháu nội đã biết ngồi, đã bập bẹ âm thanh ba ba. Bà nội dẫn ông vào phòng, kéo ghế cho ngồi để nhìn con, dâu và cháu. Hỏi ông: ''Biết ai không ông?". "Biết chớ, người quen". Bà nội chỉ cháu và hỏi: ''Ông biết thằng đó không?". Ông nội trả lời mạnh mẽ: ''Biết chớ sao không. Nó là bà con chú bác của tui mà". Ông đưa tay rờ rờ màn hình. Bên kia thằng cháu cũng đưa tay quơ quơ. Bà nội muốn khóc.

- Hai ông cháu cùng trẻ con như nhau, không ai biết ai.
* * *

Vậy đó, ông nội và cháu có nhiều điểm giống nhau. Cháu sẽ lớn, sẽ trưởng thành. Ông một ngày nào đó sẽ ra đi. Bà nội nhìn ông mà nhớ cháu. Hạnh phúc của ông bây giờ là sống vô tư như trẻ con. Hạnh phúc của bà bây giờ là không còn giận hờn mà con tim đầy ắp những yêu thương và bổn phận.

Thế là thời gian trôi qua nhanh chóng, thằng cháu nội theo cha mẹ công tác bên Ý đã được 2 tuổi.


Cuối tháng này là sinh nhật cháu tôi. Đứa cháu trai duy nhất trong gia đình. Đứa cháu nội mà tôi thương nhất. Chẳng phải tôi thiên vị vì nó là con trai hay là vì nó là cháu nội. Mà vì nó ở quá xa. Nó lớn lên từng ngày không có tôi bên cạnh. Nhiều khi nhớ quá muốn ôm nó vào lòng mà hai tay trống rỗng. Muốn đi thăm nó thì ông chồng già chẳng biết bỏ cho ai. Thằng con trai cứ năn nỉ, "Má ơi! Qua đây một chuyến. Con sẽ đem má đi khắp Âu Châu cho biết với người ta." Tôi cười cầu tài nói cho con yên lòng. Nhìn ông chồng đau yếu mà thương. Thôi đành thúc thủ.


Nhìn ông chồng ngày càng yếu để thấy sự đào thải của thời gian và thân phận của kiếp con người.


Ngày xưa, lúc cháu được vài tháng tuổi, mỗi lần đi đâu con dâu đem một giỏ tã, sữa cho con, còn bà nội cũng lè kè một túi cho chồng. Mỗi khi cần vào phòng vệ sinh thay tã, bà nội lại nhờ con dâu xem chừng phòng nữ có vắng hay không rồi đem chồng vào làm vệ sinh. Xong xuôi cháu cũng sạch mà ông cũng sạch.


Bây giờ cháu đã bỏ tã, nó mặc quần lót đàng hoàng. Lần đầu tiên bỏ tã, trên webcam con trai bảo nó kéo quần xuống cho nội xem. 
Nó mừng rỡ chỉ cái quần lót hình Superman bí bô khoe. Bà nội chẳng hiểu cháu nói gì, chỉ cười cười. Thương quá đỗi!

Còn ông nội, ngày xưa chỉ mang tã lúc đi đâu hay những lúc cần. Bây giờ ông phải mang tã cả ngày vì ông cũng không biết lúc nào mình cần giải quyết. Những ngày quan trọng cần thiết, 
bà nội mang khẩu trang, đeo găng tay làm y tá giải quyết những cục nợ đời hôi tanh mà ông không có sức rặn ra. Những ngày đó tã thay không biết bao nhiêu cái.

Bây giờ cháu đã biết đâu là phòng vệ sinh để vào, còn ông thì phòng vệ sinh ngay trước mặt cũng không biết mà vô, bà nội nắm tay ông lôi vào và làm từ A tới Z.


Cháu bây giờ đã biết bắt ghế đứng lên tự đánh răng. Còn ông nội thì bà nội phải đưa ly vào miệng cho ông từng ngụm nước. Bỏ kem vào bàn chải và giúp ông đánh răng. Xong lau mặt, lau tay đưa ông ra khỏi phòng.


Kết luận bây giờ, hai năm sau cháu đã vượt qua mặt ông cái vù về phương diện vệ sinh cá nhân.


Cháu bây giờ đã biết ngồi ăn chững chạc dù mẹ phải đút, bởi không đút là cháu ham chơi ăn không no. Cháu tự múc ăn khi nào đó là ăn chơi hay cháu thật đói. Còn ông thì bây giờ hoàn toàn không chủ động. Đút gì ông ăn đó, ăn xong thỉnh thoảng càm ràm bà nội, "Sao từ qua tới nay không cho tui ăn."


Cháu bây giờ rất gọn gàng không cần khăn, còn ông nội thì phải một cái khăn lót ở dưới để hứng thức ăn rơi. Một cái khăn nhỏ ở trên để lau miệng.


Ngày xưa cháu đi tắm phải có cái thau riêng, cháu nằm trong đó cho mẹ kỳ cọ. Bây giờ cháu có thể đứng trong bathtub cho cha, mẹ thoa xà bông và xịt nước ấm.


Còn ông nội giờ này vẫn tệ như xưa. Càng tệ hơn sau khi xong xuôi, bà nội bảo giơ chân lên để mặc tã, ông cũng đứng im. Những giọt nước miếng cứ nhểu lòng thòng rơi trên đầu bà nội. Khi bà vỗ vỗ vào chân ông, nói, "Chân này nè ông, giơ chân lên!" thì ông mới giơ chân lên. Có hôm ông giật mình kéo mạnh chân tống vào càm bà nội bầm một cục.


Ờ mà còn cái vụ nhểu nữa. Cháu bây giờ ngon lành hơn ông nhiều. Cháu hết nhểu, đẹp trai ra, biết nhận diện đâu là mắt, mũi, miệng. Còn ông nội thì càng ngày tốc độ nhểu càng trầm trọng. Không có thuốc men hay phương pháp gì chận lại. Bà nội dùng kim gút gài một cái khăn bên áo để bà nội chùi cho ông để khỏi chạy đi tìm. Ông không thích cái khăn lòng thòng nên giựt tét cả áo, đứt kim băng. Bà nội phải mặc ngoài một cái áo che lại. Khi cần bà lôi khăn ra lau, xong nhét lại. Thế nhưng nước miếng ông vẫn nhểu dài theo nền nhà theo mỗi bước chân đi. Bà nội lúc nào cũng chuẩn bị khăn lau nhà. Thỉnh thoảng bà lại đạp khăn dưới chân xóa đi dấu vết cho đỡ trơn trợt và cũng để mấy đứa cháu ngoại khỏi gớm.


Cháu nội hôm nay đã có bạn, biết các trò chơi và tung tăng như chim sáo. Còn ông nội thì càng ngày càng quên, càng lẩm cẩm.


Mỗi khi đi đâu bà nội nắm tay ông tình tứ như một cặp tình nhân. Nhưng thực ra là giữ ông cho khỏi đi lạc. Ông rất thích tự do. Ờ mà tự do ai không thích. Nhưng tự do trong trật tự. Thế nhưng ông nội nào biết trật tự là gì. Buông tay ông ra là ông đi, không cần biết điểm đến và đi đâu. Bà nội lạc ông mấy lần nên sợ lắm. Bà giữ tay ông trong bàn tay già yếu nhăn nheo. Thế nhưng đôi khi ông gặp một người không quen, ông vẫn nhào tới nói không ra lời hay lôi bà nội chạy theo họ. Ông la, "Bạn tui, bạn tui." Bà nội biết tẩy của ông nên ngọt ngào dụ dỗ, ''Biết rồi! Họ ra xe đợi mình đó. Đi chợ xong mình sẽ gặp," có vậy ông mới chịu nghe lời và đi theo bà.
*

Cháu nội bây giờ đã biết nghe lời cha mẹ. Mỗi khi làm điều gì sai, mẹ cháu bắt xin lỗi, nhận được gì cháu biết cám ơn. Cháu đã bắt đầu học để nhận biết đúng, sai. Còn ông nội tháng ngày trôi qua ông nội càng mù mịt đúng sai. Cái gì ông muốn là ông làm, ông không muốn thì đừng hòng ép. Khi cần ông đứng lại thì ông đi. Khi muốn ông đi thì ông đứng yên một chỗ. Kéo ghì không nhúc nhích. Năn nỉ một hồi ông mới chịu cho kéo đi. Khi cần ông nói thì ông làm thinh hoặc tiếng không thoát ra ngoài, chỉ lầu bầu, lịch phịch theo nước miếng. Nhưng khi ông nói chuyện với những gì ông thích hay bạn bè ảo tưởng của ông thì ông nói ra tiếng, mạnh mẽ và đầy sức sống.*

Cho nên hai ông cháu đã đi ngược chiều với nhau, không còn giống nhau như xưa.

Mỗi khi vào Webcam nói chuyện, cháu chỉ trên màn ảnh "Bà nọi, bà nọi. My bà nọi." Còn ông chỉ nhìn cháu như nhìn một cái gì lờ mờ không quen biết. Cặp mắt lơ đãng, ánh nhìn tỉnh khô, môi xệ xuống, nước miếng lòng thòng chảy ra.


Tuy nhiên hai ông cháu cũng có điểm na ná giống nhau là dỗi hờn.


Khi cháu dỗi cháu lăn xuống đất nằm đạp lòng còng. Cha, mẹ cháu kêu đứng dậy và bảo xin lỗi, nếu không sẽ phạt time out.


Còn ông nội, ông hay hờn mát. Mỗi khi như vậy ông bỏ đi nằm và bỏ ăn.


Cả nhà năn nỉ, dụ ngọt cả buổi trời ông mới ngồi dây ăn uống.


Chỉ hai năm thôi, hai năm trôi qua cho thấy một lực hút cuốn mọi người xoay chóng mặt. Đứa cháu ngày nào mới biết lật giờ đã là một cậu bé dễ thương tinh nghịch, ngây thơ. Cháu đang học mọi thứ để tập sự những ngày bước vào trường mầm non.


Còn ông thì mòn hết mọi thứ để đi vào con số không của cuộc đời. 
Ông như một cây đã cạn hết nhựa. Sống trong một trạng thái mơ hồ và làm theo quán tính của mình.
Thằng con trai vừa sinh thêm một đứa con gái. Đứa con gái đẹp như một con búp bê. Khi đứa con dâu sinh xong, thằng con chụp hình gửi về, rồi vào Webcam nói chuyện. Bà nội vui lắm khi nhìn con bé thật dễ thương nằm gọn trong lớp khăn xinh xắn.

Đứa con trai bồng con giơ giơ trước mặt ông nội:

- Ba biết ai không ba?. Cháu nội ba nè.


Ông nhìn cháu hai mắt lim dim, nước miếng chảy có dây ậm ừ:


- Cái cục gì đen đen vậy bà?


- Cái ông này nói kỳ. Bé Hạnh cháu mình đó. Bà nội vội trả lời


Ông làm thinh dường như mọi sự việc chẳng có gì liên quan đến ông. Đứa cháu gái hay cháu trai cũng không còn quan trọng.


Thỉnh thoảng ông cũng không nhớ bà là ai, ông cũng không phân biệt hai đứa cháu ở chung nhà đứa nào là chị đứa nào là em. Ông cũng không nhớ cháu ông tên gì. Cả đứa con gái đầu lòng ngày xưa ông rất mực yêu thương, thỉnh thoảng ông cũng không nhận ra và gọi là chị.


Thằng cháu nội ngày nào giờ đã được đi học ở thư viện trong base của quân đội. Cháu được dạy và chơi các môn thể thao. Cháu đã biết đếm từ 1 đến 40 bằng tiếng Mỹ và đếm 1 đến 10 bằng tiếng Việt Nam.


Còn ông nội bây giờ nói ông thử đếm xem. Bà nội đưa những ngón tay lên để đố, ông chỉ cười cười không trả lời. Không hiểu ông có biết hay ông chả thèm để ý chi ba cái chuyện đố ai lặt vặt trẻ con của đàn bà con gái.


Thằng cháu nội nhìn ông trong webcam và nói:


- Ông nội, ông nội. Ông nội nhểu giống em bé. Ông nội hư quá.


Ông nội bây giờ hư thật, ông sống trong thế giới của riêng ông và những thói hư tự dưng bây giờ xuất hiện.


Người ta nói đó là những thay đổi tâm tính của người già. Ông lúc nào cũng coi đồng tiền quan trọng lắm. Lúc nào cũng khư khư cái giỏ trong đó có cái ví tiền mà ông giữ thật cẩn thận.


Mỗi sáng ông lấy ra đếm đi đếm lại những đồng tiền mới mà bà nội để vào ví cho ông. Những giọt nước miếng chảy xuống làm ướt nhẹp mấy đồng tiền nằm trên.
 Ông cẩn thận xăm soi rồi lại bỏ vào. Như đứa bé chơi đồ chơi lấy một nón đồ chơi rồi bỏ vào trong hộp. Lại lôi ra chơi tiếp.

Ông hay sợ mất tiền và hay than hôm nay bị ai đánh cắp mấy trăm. Ông dấu kín dưới gối, kẹt tủ rồi lại hoảng loạn đi tìm vì không biết ở đâu. Ông kêu lên đầy lo lắng.:

- Gói tiền và giấy tờ để làm hồ sơ đi Mỹ đã bị đánh cắp rồi. Mình làm sao lên máy bay?

Vậy đó, ông nội lại trở về quá khứ để sống, còn cháu nhìn về tương lai để lớn lên. Cháu lớn từng ngày và mỗi ngày mỗi hiểu biết thêm một chút để bỏ xa ông nội đằng sau.


Bây giờ ông nội lại sắp hàng giống con em nó là con bé mới sinh được 5 tháng tuổi. Cũng mang tã, cũng ngu ngơ không biết gì như nó mấy năm về trước.

Tôi nhìn ông chồng tội nghiệp của tôi mà suy gẫm ra nhiều thứ.

Trên con đường đời của luật tử sinh vòng xoay bất biến, con người luôn đi theo một vòng tròn.

Khi đứa bé sinh ra bắt đầu bằng tã, sữa. Niềm vui là được bú no, ngủ cho yên giấc. Đứa bé lớn dần học nhiều thứ để trưởng thành. Để biết tham lam muốn cái này cái nọ. Để biết tìm cách lấy phần hơn về cho mình và trưởng thành để tự lập một đời sống riêng tư. Cái tuổi thành niên đến giai đoạn tráng niên là phải vật lộn với đời sống, với mưu sinh. Con người tốt hay xấu, danh vọng hay nghèo nàn, có nhân cách và đạo đức hay không là do mình tạo ra trong giai đoạn này.

Đến lão niên cuộc đời trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống. Tuổi đời chồng chất, đấu tranh mòn mõi, luật đời đào thải, cơ thể đào thải để cuối cùng cũng chỉ trở lại với tã và sữa.

Đứa bé là một sinh vật trong trắng, thơ ngây. Tã và sữa là những thứ cần thiết để đứa bé lớn lên và phát triển.

Người già là một cơ thể đã hết rồi nhựa sống. Trang sách đời đầy những dấu vết đau thương và tội lỗi. Nên ngoài tả sữa còn mang cả một quá khứ ở tâm hồn và đau đớn ở thân xác. Vì vậy đôi khi họ rất khó tính và câu chấp thiệt hơn. Cái vòng tròn khi về điểm cuối bao giờ cũng nhạt nhòa và mất dần đi nét vẻ đẹp ban đầu. Tất cả rồi sẽ nhập lại để hủy diệt. Để trả lại cái thân xác cho đất, nước lửa và không khí. Để sau đó một mầm sống mới vươn lên của vòng sinh tử, tử sinh bắt lại từ đầu.

Con đường nào rồi cũng có đích để đến, Nhưng cái đích để đến của những người lính VNCH bị tù Cộng Sản bao giờ cũng nhiều đau đớn, thương tích về thể xác lẫn tâm hồn. Nó đốt cháy và thiêu rụi nhiều thứ trong ký ức vàng son hay làm khô cằn niềm vui và sức sống.

Rất may ông và cháu đều được sống, được là công dân của một đất nước coi trọng người già và trẻ con. Một nước Mỹ tân tiến có nhiều quyền lợi ưu tiên cho cả ông và cháu. Cháu được xã hội nâng niu vì là mần non của đất nước. Cháu được tạo mọi điều kiện để sức khỏe và trí tuệ phát triển đến mức tối đa. Cháu sẽ trưởng thành để góp phần vào sự phồn vinh của đất nước, một người công dân xứng đáng trong xã hội.

Ông được xã hội trân trọng vì đã đóng góp ít nhiều cho xứ sở này. Một đất nước nhân bản coi trọng mỗi cá nhân. Những người già được quan tâm và hưởng những phúc lợi cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mình. Để những ngày cuối đời là những ngày hạnh phúc và đáng sống.

Tôi cám ơn nước Mỹ vô cùng đã cho gia đình tôi có cơ hội sống và làm việc. Đã cho chúng tôi có một chỗ thật bình yên và an lành. Cho chúng tôi khi tuổi già không lo cơm áo gạo tiền, vật lộn với đời sống để kiếm miếng ăn. Nếu tôi còn ở VN ông chồng tôi chắc đã ra đi từ lâu lắm... Tôi sẽ không đủ khả năng để lo cho chồng như hiện nay Vì với một sức khỏe cạn kiệt sau bao nhiêu năm trên trại tù Việt Bắc. Bao nhiêu những ám ảnh quá khứ và hiện tại anh sẽ không thể nào đủ sức vượt qua.

Ông Trời đã cho chồng tôi sống sót sau bao nhiêu năm tù tội gian lao. Đã cho chàng cùng tôi sang đây để xây lại một mái gia đình hạnh phúc. Và bây giờ đã cho chàng ở bên tôi hàng ngày, hàng giờ như tôi đã từng ước mơ, cầu nguyện.

Ông Trời đã đùa với tôi. Ổng háy một bên mắt và cười: "Con ạ! Con xin gì ta đã cho con điều đó. Con ước nguyện cho chồng con sống sót trở về. Con cầu nguyện có chồng một bên không rời xa dù cực khổ bao nhiêu con cũng chịu. Cảm thương con ta cho con toại nguyện. Ta cho nó bên con hàng ngày, hằng giờ không bao giờ chia cắt. Con hãy trân trọng những đặc ân ta ban cho con. Chúc con hạnh phúc."

Và thế, tôi ôm lấy niềm hạnh phúc ơn trên ban cho tôi và giữ lấy nó bằng cả trái tim.

Trái tim của một người phụ nữ Việt Nam yêu chồng.

Nguyễn thị Thêm
 
 

Monday, June 19, 2017

Nhớ bố-QNN

Nhớ bố
Chưa bao giờ con làm thơ về bố
Vì bố ơi, con bố cảm nhận rằng
Chẳng có ngôn từ nào diễn tả
….hết ý tình, tình bố đã thương con
*
Được bố thương, bố hiểu nhất trong nhà
Được bố cưng từ thuở vừa mở mắt
Bố giải bầy hầu hết điều thắc mắc
Bố mất đi… đời sống buồn hiu hắt
Khi mất bố là mất gần tất cả
Mất tình bố tròn đầy, tình bố bao la
*
Gặp cảnh khổ, bố chẳng hề kêu ca
Sống đơn giản, thích bố thí, để đức cho con cái
Bố dễ chịu, tính tình thoải mái
Luôn điềm đạm, luôn nhẹ nhàng kiên nhẫn
Bố hiền lành, là người biết tri ân
Là người con chí hiếu, người bạn ân cần
Người chồng tốt, bố luôn chìu chuộng mẹ
*
Bố mất đi, con chơ vơ trên đời
Khi mất bố, con mất cả bầu trời
Đâu nào biết tử biệt buồn đến thế
Father Day, nhớ bố quá bố ơi!
*
Bố mất đi, đời ảm đạm, mưa rơi!
Con hụt hẩng, đời sống này trống vắng
Ai khuyên răn, ai trợ giúp, ai hãnh diện, vỗ về…
Khi con hư, ai dễ dãi, cười hề
Ai làm vơi nỗi buồn, ai thêm thắt niềm vui?
Ai luôn ở gần con, lo lắng, thương yêu …
…nâng con lên…  mỗi khi con buồn khổ?
*
Bố con mình hay tâm đắc, chuyện trò
Cùng sở thích.. thơ, xi nê, âm nhạc
Bên cạnh bố, thấy được thương và hiểu
Thấy bình an vô vàn, thấy yên chí, an tâm
*
Chưa bao giờ con làm thơ về bố
Để trong lòng nhiều khi thấy hay hơn
“Người đàn ông quan trọng nhất đời tôi”
Là bố đó, viết hết lòng…
con đã viết đoản văn này…, nhớ bố!
Quách Như Nguyệt

Người đàn ông quan trọng nhất

Bố tôi là 1 người đàn ông rất đỗi hiền lành.  Hiền đến độ có nhiều người trong họ hàng thân tộc nhà tôi đều nói là bố tôi hiền như Bụt.  Hồi nhỏ, tôi không hiểu rõ  nghĩa của chữ Bụt là gì.  Khi lớn lên, đọc sách của thầy Nhất Hạnh, tôi mới biết Bụt là Phật.  Được ví hiền như Phật, quả thật là 1 vinh dự lớn lao cho bố của tôi. 
Bao nhiêu năm làm con của bố, tôi chưa hề nghe ông chỉ trích, nói xấu 1 người nào.  Ông không tham lam của ai, dù 1 cắc.  Làm công chức ở quan thuế nhưng ông rất thanh liêm.  Mẹ của tôi buôn bán giỏi, làm nhiều tiền, bận rộn; ông không màng giúp đỡ mẹ việc nhà, support tinh thần, bàn bạc, giúp ý với mẹ tôi, phụ mẹ tôi săn sóc, dạy dỗ con cái.  Đó là những điều mà tôi thấy đàn ông Việt Nam -thời bố tôi- ít chịu làm.  Bố rất “ga lăng” và chìu chuộng mẹ.  Tôi thấy ông hay âu yếm choàng vai, vuốt má, hay nịnh đầm mẹ, lúc nào cũng nói chuyện thật nhẹ nhàng với mẹ.  Mẹ tôi thì lo cho ông từng miếng ăn, giấc ngủ. Mẹ là người đàn bà khéo ngoại giao, ăn nói hay,  tiếu lâm, vui vẻ.  Mỗi lần mẹ tôi cười là có hai “đồng điếu” (hai dimples nhỏ xíu, giống Shirley Temple) nhìn rất có duyên, dáng người mẹ ngon lành-cao ráo, mẹ đảm đang, nấu ăn giỏi, đối đãi với bạn bè, hàng xóm láng giềng, họ hàng bên chồng không có chỗ  nào chê.  Thuở hai người mới quen nhau, bố tán mẹ bằng hai câu thơ: “Ai bảo em làm anh ngơ ngẩn.  Buổi đầu tiên anh có mộng gì đâu”. (của một thi sĩ nào đó chứ không phải của ông thì phải).   Thuở đó, bố học hành khá, biết cởi ngựa, đánh bốc (boxing), chơi ping pong, bắn cung tên, bơi lội (mẹ đã khoe với chúng tôi là bố bơi từ bờ sông bên nầy đến bờ bên kia mấy vòng, bố bơi rất giỏi, có hạng trong vùng).  Bố cao ráo, khỏe  mạnh, đô con lại tán tỉnh hay nên mẹ phải lòng. Mẹ tôi đẹp lắm, mẹ khoe mẹ là hoa… hôi (hì hì) trong tỉnh.  Mẹ bảo mẹ và bà Mười là hai người đẹp nhất trong vùng, em gái tôi hay chọc mẹ, nó nói chắc ở tỉnh đó, con gái chỉ có ….hai người?!! Hi hi…   Ông ngoại không cho mẹ lấy bố vì lo lắng bố là con trai độc nhất (bà nội tôi chỉ có bố tôi và cô em của bố); ông ngoại thương mẹ tôi lắm vì ông cũng chỉ có mình mẹ tôi là con gái, bà ngoại tôi lại mất từ lúc mẹ tôi còn nhỏ xíu.  Ông đã nghĩ mẹ mà về làm dâu nhà bố (Bắc kỳ thời đó mà!) chắc là không khá!  Bị ngăn cấm, mẹ tôi đã …runaway, trốn ông ngoại đến nhà dì của mẹ để làm áp lực (thời xửa thời xưa mà mẹ tui dám làm như vậy thì thiệt quả  là quá xá chời!  Tui thấy bà rất can đảm, dám làm chuyện kinh thiên động địa như thế với ông ngoại, tất cả cũng chỉ vì …tình!  Mẹ tui quả thiệt là chịu chơi, là một người có làm có chịu.., ha các bạn?). 
Khi mẹ tôi mất năm 1994, bố lủi thủi một mình, bố nói với tôi bố nhớ mẹ lắm. Mẹ tôi hay ngao du bạn bè, thích đi du lịch, hay ra ngoài chơi; bố lại không thích đi chơi đâu cả, cứ quanh quẩn trong nhà. Bố tâm sự bảo là bố rất buồn, bây giờ thì không còn mẹ tôi đi chơi về tâm sự, nói chuyện huyên thuyên cho bố nghe như trước nữa. Mẹ có duyên ghê lắm!  Có máu tiếu lâm nữa, tính tình rộng rãi, khoáng đại lại hiểu biết, dễ hòa đồng, rất “friendly” nên mẹ có rất nhiều bạn.  Mẹ thường kể lể đủ mọi thứ chuyện, vui có, buồn có, những tin tức thật là sốt dẽo cho bố tôi nghe.  Sẽ chẳng có một ai thay thế nổi mẹ của tôi với bố! Mất đi một người bạn đời tháo vát, lo lắng thương yêu, hy sinh cả mộtđời cho bố, chắc bố tôi buồn và cảm thấy cô đơn ghê lắm!  Tội nghiệp ông!
 Đối với bà nội, bố là một người con chí hiếu. Lúc bà nội bệnh, khi gần mất, năm 1972, đàm dãi của bà đầy cổ họng, ông đã không ngần ngại dùng ống hút, lấy miệng, hút đàm ra cho bà  (gớm quá à… Bạn có dám làm như thế không?). Thu xa xưa lâu lắm rồi, hồi đó, làm gì mà có máy móc như bây giờ? Cô em tôi, nó có một trí nhớ siêu phàm, nó lại hay để ý nữa… thỉnh thoảng nó vẫn nhắc lại gương hiếu để này của bố. 
Ông nội của tôi mất sớm, hồi bố mới có 7 tuổi nên bố đã cáng đáng thay cha, săn sóc cho em gái mình từng chút.  Tôi chưa thấy có người nào thương em gái như bố của tôi.  Khi cô tôi đang tuổi mới lớn, chính ông  là người chỉ dẫn cho cô từng ly từng tí, chính ông là người đã nhổ lông mày cho em, chỉ dẫn cô tôi cách đi cách đứng, ăn mặc sao cho mốt, dạy cho cô tôi biết về tâm lý của đàn ông.  Chính bố tôi là người chọn chồng cho em mình, ông bảo chú là người hoạt động trong hướng đạo, tính tình tốt, tương lai tươi sáng.  Mà đúng thật, cô chú tôi là một cặp vợ chồng hiếm thấy, cô không phải đi làm một ngày nào cho dù học rất giỏi.  Tính tình chú rất dễ chịu, thoải mái, một lòng một dạ, thương chìu vợ con hết mực.
Khi còn ở V.N.,  sau khi bà tôi mất, cứ cách mỗi hai tuần, là bố nói Hảo (cô em) chở bố đến thăm cô.  Đến khi gia đình cô qua bên Mỹ cũng thế, không bao giờ bố tôi “expect” em mình, phận làm em phải đến thăm mình; ông bảo anh tôi chở ông đi thăm cô đều đặn.  Lúc bệnh già của bố trở nặng, thời gian ông gần mất, đi đứng phải có người dìu, vậy mà khi cô tôi đến thăm, không biết có một động lực vô hình nào đã thúc đẩy ông, vừa nghe tiếng cô tôi ở ngoài phòng khách; ông vội vàng đi phon phon từ trong phòng ngủ ra để gặp cô!  Ông đã chẳng cần chờ ai phải đỡ đần, dìu cho ông đi cả khiến chúng tôi quá sức ngạc nhiên!  Em tôi và tôi trố mắt ra nhìn, đúng là… miracle! Tình thương khiến cho người ta làm những chuyện phi thường không thể nào có thể giải thích, không thể nào tưởng tượng nổi, phải không các bạn?
 Đối với con cái, ông chăm sóc chúng tôi kỹ lưỡng, rất kiên nhẫn, thông cảm và hiểu các con.  Lúc còn nhỏ xíu, chúng tôi xếp hàng chờ ông đánh răng cho từng đứa.  Ngày nào ông cũng phát cho chúng tôi uống một viên sinh tố (vitamin).  Bố tôi rất… Tây, không thiên vị  thương con trai hơn như bà nội tôi và mẹ. Đứa nào ngoan, học giỏi , mang bảng danh dự  về  đều được thưởng tiền.  Ông khuyến khích các con để dành tiền.  Bốn đứa con gái có 4 hộp đựng tiền, bố viết tên từng đứa. (Chúng tôi có 4 ông anh trai nhưng mấy ổng xài dữ lắm chẳng ông nào có dư tiền mà để dành!).  Chúng tôi gửi tiền, cuối tháng, bố tính tiền lời rồi bỏ vào trong mỗi hộp.  Bố dậy chúng tôi nên làm những việc thiện lành, theo bố, không phải để cầu  mình sẽ gặp được nhiều may mắn, hạnh phúc ở đời mà ông bảo chỉ mong rằng những việc xấu nếu có đến, may ra sẽ giảm bớt đi.
 Ai  cũng bảo tôi nhìn giống bố nhất nhà. Tôi nhớ, hồi còn bé bỏng, bố hay ôm tôi vào lòng, hôn vào má tôi, râu của ông cạ vào má tôi nhột nhột, ngưa ngứa và tôi ngửi thấy mùi kem đánh răng, mùi aftershave từ bố, thoang thoảng, phảng phất thơm.  Vào dịp Giáng Sinh, tôi mong bố đi làm về còn hơn trẻ con mong mẹ về chợ vì bố hay mang về cho em tôi và tôi những món đồ chơi nho nhỏ.    
  Ngày nào ăn cơm xong, bố cũng dẫn tôi đi bộ với bố đến công viên. Cứ hai  hoặc ba tuần thì chúng tôi lại được đi xem xi nê với bố (nhà tôi người nào cũng mê movie là vì vậy). Tôi mê nhạc, nghe nhạc cả ngày, bố không la, còn nói: “Muốn cho con thành một bậc vĩ nhân thì cho con được ru ngủ  bằng âm nhạc, được đánh thức dậy bằng âm nhạc”.  Khi tôi tỏ ý muốn đi học đàn guitar, bố cũng đồng ý ngay và vui vẻ cho tôi tiền mua đàn và trả tiền học phí. Bố tôi còn khuyến khích chúng tôi học nhẩy đầm, bảo rằng con cái của giới thượng lưu đều biết nhẩy đầm cả nếu các con thích thì cứ vic. Ông đọc ở đâu nói đậu đen tốt, thế là chính tay ông nấu chè đậu đen (bỏ rất ít đường) hằng ngày, chỉ có một mình tôi với ông ăn (thảo nào ông thương tôi nhất nhà, hí hí..), vì “ngon” quá nên không có người nào khác trong gia đình tôi chịu … thưởng thức món ăn này cả!
Đến giờ này, ngồi nghĩ lại, tôi thấy “appreciate” bố tôi ghê lắm.  Thuở mới lớn của tôi, ông đã để cho tôi rất tự do (không như tôi đối với thằng con của mình).  Khi gia đình tôi từ trại tị nạn dọn đến New Hamshire, mỗi ngày tôi “sống nhờ thư” của bạn bè từ xa gửi đến và cũng viết rất nhiều thư gửi đi.  Ông đã không cấm tôi đừng tốn mất nhiều thì giờ cho việc viết thơ mà còn lặng lẽ đi mua thật nhiều tem, để sẵn đó cho tôi tha hồ viết, tha hồ gửi thư đi.  Mấy anh chàng trồng cây si, gọi điện thoại đến, tôi nói chuyện hàng giờ, bố cũng không la.  Khi tôi quyết định lấy chồng năm gần 18 tuổi, bố thấy tôi còn trẻ quá, bố không thích  cho tôi đi lấy chồng thời gian đó nhưng cũng chỉ nói ôn tồn, khuyên nhủ nhẹ nhàng chứ không cấm cản.  Chồng tôi nghèo, không giỏi bằng những người rễ khác (bác sĩ), bố vẫn quí và thương bằng hoặc còn hơn nữa.  Bố rất hiểu và cảm kích những tính tốt của chồng tôi, cứ khen hoài.  Lúc đó, anh C. đang phải đi học lại, ông an ủi tôi: “Học xong trung học là đủ rồi, học lên đại học là học thêm ngành chuyên môn thôi, kiến thức và đức độ thì chỉ xong bậc trung học là đủ rồi, ngang ngửa với những người khác rồi, anh C. tư cách, tính tình còn hay hơn rất nhiều người, tư cách là bậc tiến sĩ, thạc sĩ; bố thấy có những người tài giỏi thật đấy, bằng cấp cao, đầy nhưng đôi khi kiêu ngạo ta đây, ích kỹ, tính tình nhỏ mọn, hay ganh tị, chẳng bao giờ nghĩ đến người khác, tư cách chỉ là bậc tiểu học, thế cho nên con không cần phải mặc cảm mà phải biết quí chồng của con.  Bố thấy anh ấy là một người rất tốt!” 
Khi tôi muốn ly dị chồng, bố cũng chẳng nói năng gì, mặc dù ông rất buồn nhưng ông đã tôn trọng quyết định của tôi. Ông chỉ nhắc nhở tôi nhớ đối xử tốt,  công bình với anh C. và cho dù có chia tay, chúng tôi cũng nên giữ gìn những tình cảm đẹp đẻ cho nhau.  Anh C. thương bố mẹ tôi như bố mẹ ruột của anh.  Mặc dù anh và tôi đã ly dị, anh thỉnh thoảng vẫn đến thăm bố của tôi. Mười năm sau, khi bố của tôi qua đời, anh đã đến phụ giúp và chịu tang bố tôi trong những ngày tang lễ.
  Bố hay khuyến khích chúng tôi đọc sách, nhất là các loại sách học làm người.  Quyển sách mà bố thích nhất là cuốn “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie, ông Nguyễn Hiến Lê dịch.  Bố đọc đi, đọc lại.  Mỗi lần tôi nói câu nào khéo léo, khôn ngoan, biết khen người khác đúng lúc, thật thà; bố thường hay khen:  “Nguyệt biết Carnegie. Giỏi lắm!” hay: ” Carnegie giỏi quá hả!”, “Carnegie khá lắm! hay quá!”. Em tôi thì mỗi lần tôi “hắc ám” , nó lại nhắc nhở: “Sao chị không biết Carnegie gì hết! Carnegie của chị đâu rồi?” hoặc chị  tôi: “Nguyệt quên Carnegie rồi à?”.  Tên của ông Carnegie (bố đọc theo âm tiếng Pháp, cát nê ji) trở thành động từ của gia đình họ Quách chúng tôi tự lúc nào….
  Bố thương và quý con dâu, con rễ,  đối xử với người làm rất tử tế. Vì chúng tôi lười biếng, mỗi lần chị người làm về quê là cả một khổ sở, cực hình cho cả nhà nên ông rất quí trọng chị người làm.  Ông sợ chị Hai mà xin nghĩ việc là cả nhà sẽ rất là chật vật và vất vả.  Bữa ăn nào, chúng tôi cũng đều có đét se (dessert), một quả chuối, trái cam, táo, xoài…   Bố lựa theo thứ tự, ngon lành nhất dành cho bà nội, kế đến là mẹ của tôi, kế đến … chị người làm, sau cùng mới để đó cho chúng tôi.  Chị mà méc với  bố mẹ nếu chúng tôi làm gì cho chị phiền lòng là kể như  …. tiêu tùng, chúng tôi sẽ bị mắng  ngay.  Thỉnh thoảng thấy chị người làm vất vả quá, ông còn đi mắc mùng giùm cho chị.  Mẹ tôi cười cười bảo: “May mà em, cả nhà hiểu tính anh, người ngoài mà họ nhìn thấy cái cảnh này, họ lại tưởng anh muốn chài người làm, mang tiếng chết!…” 
  Bố của tôi sống rất giản dị, chẳng xa hoa cầu kỳ; bao nhiêu tiền có được, sau khi để dành một ít, là bỏ vào - rất  thích- làm việc thiện.  Hồi còn ở Việt nam, lúc nào bố tôi cũng để sẵn 1 túi tiền, ăn mày hể đến nhà, dù khoẻ mạnh hay tàn tật, bố bảo chúng tôi cứ tự động mang ra cho họ.  Vì biết chắc chắn bất cứ lúc nào họ cũng được cho tiền, có nhiều ông ăn mày đi thẳng một mạch đến nhà tôi mỗi ngày mà không đến xin những nhà hàng xóm khác.  Cóđứa bạn nào mà tôi thấy gia đình của nó nghèo khổ, tôi đều nói với bố tôi.  Con nít nghèo của những xóm kế bên cũng thế , bố tôi  hay mua sách vở, bút mực hoặc đưa tiền,ông thường bảo tôi mang cho họ.  Qua đến Mỹ,  mỗi năm ông đều dành dụm gởi nhiều tiền về Việt Nam giúp đỡ người nghèo khó. 
Về tình cảm của con cái, thấy em tôi đánh tennis giỏi, lúc nào cũng đánh thắng mấy anh, ông khuyên em tôi thỉnh thoảng nên giả vờ thua, cho mấy anh khỏi mặc cảm, mới thích em tôi (về chiện này, tui thấy bố hổng đúng cho lắm, hihi.. thể thao mờ, làm sao có chiện nhường được chớ, hihi..).  Chị  tôi vì đào huê quá không biết ông bồ nào nên lấy ông nào không; chỉ cứ ngần ngừ hoài, chắc bố hơi lo cho chị nên  khi chị 34 tuổi, bố khuyên chị cứ lấy chồng cho biết, sau đó nếu không thích thì … ly dị (ông bố tui chịu chơi quá phải không ạ?).  Khi chị quyết định lấy chồng lớn tuổi hơn, mặc dù  ông anh rễ của tôi sáng sủa, cao ráo,  chưa bao giờ có v và lại  là bác sĩ nội khoa ngon lành, bố  tôi  vẫn rất  thực tế  “bringing up concern”, cố vấn cho chị  tôi  về  vấn đề  tuổi  tác.  Ông muốn chị tôi lấy chồng bằng tuổi hoặc chỉ hơn chị 1,2 tuổi thôi à… hoặc trẻ hơn cũng không sao, hihihiii… hì hì (vào làm rễ gia đình tui tuy dễ như lại  có những tiêu chuẩn hơi … khó  khó hỉ …hi hi hi…)
 Đối với các cháu nội, cháu ngoại, ông thương rất đồng đều.  Khi tôi gửi thằng con lớn cho mẹ tôi để đi học, bố đã phụ mẹ, trông giúp hộ mẹ tôi.  Lúc nào ông cũng mua sẵn một lô kẹo chewing gum, đứa nào đến, cũng phát cho vài cái.  Khi lũ cháu chào ông, lúc nào ông cũng vui vẻ nói lại: “Chào cháu”.  Ông rất chịu khó tập thể dục, lúc nào ông cũng vui vẻ, yêu đời.  Ông hay nhắc chúng tôi: “Vui lên thiên hạ đồng tình, khóc than bạn chỉ một mình khóc than”.  Hoặc:  “Chỉ có tôi cho phép tôi buồn ngoài ra không có ai có thể làm cho tôi buồn được!”
Bố của chúng tôi rất mê đọc sách. Mặc dù theo đạo Phật, thờ cúng tổ tiên nhưng ông đã đọc, nghiên cứu  hết hai quyển kinh thánh Tân ước và Cựu ước.  Ông khuyến khích tôi đọc, nói là có rất nhiều điều hay.  (Tôi có thử nhưng thấy …. boring quá!  Không sao đọc tiếp cho hết  được).  Ông còn khen đạo Tin lành là đạo của những người văn minh. Ông có 1 quyển sổ nhỏ,  với nét chữ gọn gàng đều đặn, ông chép những câu danh ngôn, những bài thơ nói về tình yêu (lãng mạng nhỉ, hihi..)  Một quyển sổ khác, ông chép những câu nổi tiếng, nói về cách sống, cách cư xử, đạo đức, hạnh làm người.  Qua Mỹ, ông đã chịu khó đi học lại để lấy lại bằng Accounting, cô bạn tôi học chung lớp với ông đã khoe là ông học rất giỏi, được điểm A trong khi cô chỉ được con B.   Sau khi tốt nghiệp, bố tôi cũng đã đi làm một thời gian lâu trong trường đại học gần nhà.
*****
 Bố của con ơi… bố mất được gần 2 tuần rồi mà con vẫn cảm thấy là con chưa mất bố!  Mỗi sáng thức dậy, con lại nghĩ đến bố.  Con thương và nhớ bố lắm, bố ơi! Con thấy mình hụt hẫng, bơ vơ, mất mát nhiều ghê lắm! Trên cõi đời này, sẽ chẳng có một ai khác, thương con, tình thương vô điều kiện, như bố đã.  Con sẽ chẳng bao giờ thấy được gương mặt hiền lành -cặp mắt lúc nào cũng nhìn con dịu dàng, thương yêu- của bố. Bố dễ thương, dễ chịu ghê lắm!  Chẳng bao giờ bố đòi hỏi chúng con làm điều gì cho bố hết.  Chẳng bao giờ con thấy bố than phiền là sao chúng con không đến thăm bố thường hơn. Bố chỉ tỏ vẻ rất vui mừng khi chúng con đến thăm bố mà thôi.  Con đã không có mặt, ở cạnh bố, trong những giờ phút cuối cùng.  Xin bố tha cho tội bất hiếu của con, bố nhé.  Khi đang đi chơi ở Canada, nghe Annie nói là ông ngoại passed away, con đã khóc suốt mấy tiếng đồng hồ và đòi về ngay nhưng Hảo nói là chỉ còn một ngày nữa là về, đằng nào bố cũng đã mất rồi.
 Bố của chúng tôi  không gặt hái được nhiều thành quả để đời, không phải là 1 người tài ba xuất chúng, lỗi lạc thế gian.  Ông chỉ là một người rất bình thường. Một người  rất tử tế, sợ tội, tính tình hòa nhã, tin vào bố thí, làm lành tránh dữ, hiếu thảo, ăn ngay nói thật, chẳng bao giờ muốn phiền hà ai,  không thích nợ nần ai. Ông đã cố gắng đóng trọn vai trò của mình trong màn kịch đời người. Một người công dân tốt trong xã hội. Một người biết tự lo thân, take good care cho bản thân mình.  Một người bạn tốt, biết cảm thông, chia sẻ.  Một người con, anh, chồng, cha, ông trọn vẹn.  Vì  thế, từ những điều rất bình thường đó, với tôi, ông đã trở nên một người rất đỗi phi thường!
 Bây giờ, một năm rưởi sau khi bố mất, ngồi viết thêm, sửa lại một lần nữa, bài mà con đã đọc trong ngày đưa tiễn bố. Con khóc nghẹn ngào.  Bố ơi! vẫn biết đời sống này là vô thường, chẳng có gì là vĩnh cửu.  Vẫn biết chính bản thân con, một ngày nào đó, rồi cũng phải ra đi.  Vẫn biết một người - tốt bụng, hiền lành-  như bố;  thì sự ra đi của bố, có nghĩa là một nơi chốn tốt đẹp hơn.  Nhưng con vẫn không khỏi đau lòng và buồn bã.  Con vẫn thấy nhớ bố, nhớ bố thật nhiều. Con cứ phải tự an ủi mình, tự nhắc mình là may mắn vì đã được làm con của bố. Con phải nói với mình, nhiều lần, là con phải  mừng cho sự ra đi của bố.  Bố giờ này chắc không còn ở cõi ta bà, hỗn độn này nữa đâu, phải không bố?  Bố yêu của con ơi! Con cố gắng không buồn nhiều, vì con tin chắc rằng, bố đã được về 1 cõi êm ái, bình an, hạnh phúc hơn cõi đời này.
Như Nguyệt
August 2008;  Editted Feb. 27
th, 2010