Lần đầu tiên được làm mẹ, đó là niềm hạnh phúc thiêng liêng của hầu hết mọi người phụ nữ.
Mẹ cũng vậy. Từ khi biết mình mang thai, mẹ vui mừng đến trào nước mắt. Nhưng rồi ba con, ông bà ngoại và các dì, các cậu đều không khỏi lo âu bởi vì sức khoẻ của mẹ rất yếu, do di chứng sốt bại liệt từ bé nên việc đi đứng của mẹ rất khó khăn, ai cũng sợ mẹ không đủ sức cưu mang con cho tới ngày sinh nở. Chỉ riêng mẹ, bằng tình yêu tha thiết đứa con còn là giọt máu nhỏ nhoi trong bụng mẹ, mẹ tin tưởng mình sẽ vượt qua.
Và rồi mẹ đã đi qua những tháng ngày lo âu, hồi hộp để cho ra đời một bé gái khoẻ mạnh, giống cha như hai giọt nước. Đứa bé ấy chính là con đấy, Huyền Chi con gái yêu quý của mẹ.
Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, hai mẹ con mình phải hứng chịu sự mất mát lớn lao của gia đình và của cả dân tộc Việt Nam nữa. Ba con phải đi vào trại lao động cải tạo mà không biết ngày về !...
Những ngày tháng ấy, mẹ đã khóc đến cạn nước mắt khi chợt phát hiện ra con còn một đứa em đang tượng hình trong bụng mẹ. Với tuổi đời còn non nớt , hai mươi bốn tuổi đầu mà mẹ cảm thấy quá sợ hãi khi phải tiếp xúc lăn lộn với đời. Mẹ tưởng như tất cả những ước mơ, hoài bão, niềm tin của mẹ đều sụp đổ hết sau khi ba rời bỏ mẹ con mình. Những ngày tháng ấy, nếu không có con chưa chắc mẹ có đủ nghị lực và niềm tin để tiếp tục sống và làm việc cho đến ngày nay.
Có những đêm con quấy khóc, mẹ ôm con vào lòng, xoa xoa mái tóc con dỗ dành rằng :
_ Con nín đi ! Mai mốt ba về ...
Mẹ dỗ con mà như dỗ cả chính mình. Rồi đôi khi mẹ khóc vì quá vất vả , vì tủi buồn , vì thương đứa con gái bé bỏng mới hơn hai tuổi đầu đã thiếu vắng tình cha , thương cho đứa con đang nằm trong bụng mẹ không biết ngày mai sẽ ra sao?
Con lại bắt chước xoa đầu mẹ mà thỏ thẻ rằng :
_ Mẹ nín đi ! Mai mốt ba về ...
Giờ đây, ngồi nhớ lại câu nói ấy của con, mẹ vẫn còn rơi nước mắt. Hai mẹ con mình đã nương tựa vào nhau mà sống, đã đi qua những tháng ngày khó khăn, thiếu thốn. Mẹ vắng bóng tình yêu của ba con, nhưng bù lại mẹ có được tình yêu của con. Con càng lớn, càng ngoan. Biết mẹ mình yếu đuối, con đã phải tự lực khi còn rất bé.
Có lần mẹ dắt con về quê thăm ngoại, khi ấy con vừa biết đi lẫm chẫm dò từng bước, từng bước một! Mùa mưa, quãng đường từ lộ cái vào nhà ngoại sình lầy trơn trượt. Các anh chị con dì, con cậu của con tuy đã học lớp một, lớp hai ... lớn tướng rồi mà mỗi khi về vẫn được ba mẹ cõng trên lưng. Còn con gái của mẹ , đứa bé chỉ mới hơn hai tuổi đầu thôi đã phải dầm chân xuống bùn. Lúc đầu, con không chịu đi, cứ đòi mẹ bế, mà cái thân bụng mang dạ chửa của mẹ đi một mình còn chưa xong làm sao mà bế được con. Thế là mẹ phải dỗ dành:
_ Hai mẹ con mình cùng đi bắt cá !
Nhìn đôi chân trắng hồng, bé bỏng của con sũng bùn đen nhão nhẹt , bất chợt hai hàng nước mắt của mẹ cứ tuôn trào . Mẹ nhớ tới câu ca dao :
" Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha vắng gót con lấm bùn " .
Ôi ! sao mà giống với hoàn cảnh của mẹ con mình quá, phải không con ?
Thấy tội nghiệp thay cho mẹ con mình bữa no , bữa đói. Bác Trường hàng xóm mới bảo mẹ là cứ 5 giờ sáng thức dậy đi theo bác ra lò mổ heo để phụ việc thì bác sẽ trả công bằng chút ít thịt vụn mang về nấu cháo cho con ăn. Được vài hôm thì mẹ không thể nào tiếp tục công việc được nữa, bởi mẹ biết được rằng mỗi sáng sớm lúc mẹ len lén thức dậy là lúc đó con cũng thức cũng nhìn thấy hết nhưng con cứ giả vờ nằm yên, chờ mẹ đi khỏi là con ra ngồi trước hiên nhà khóc thút thít, ai dỗ cũng không được! Con cứ ngồi ủ rũ như thế cho đến khi mẹ về mới thôi.
Như vậy không xong, mẹ liền tự nghĩ ra phương kế khác để kiếm gạo nuôi con. Thấy thiên hạ đua chen nhau đi mua bán ở chợ trời tấp nập, mẹ cũng tập tành thử xem sao? Nhưng hỡi ơi ! Mới ngày đầu ra chợ không có kinh nghiệm gì, mẹ đã bị kẻ xấu lừa lấy hết tiền, thay vào đó là mớ tiền giả và một bịch giấy vụn. Không nản chí và không còn con đường nào lựa chọn để tìm kế mưu sinh cho mình và con; Mẹ phải đi hết xí nghiệp này đến xí nghiệp khác năn nỉ xin mua vải đầu cây, vải vụn rồi về nhà thức trắng đêm chế biến, ráp nối ra những bộ quần áo trẻ em mang ra vỉa hè chợ ngồi bán. Lần nào đi bán hàng mẹ cũng phải dắt con đi theo vì không biết gởi con cho ai. Còn con của mẹ thì là một đứa trẻ tội nghiệp và lanh lợi, gặp ai đi qua con cũng chạy lại nắm tay chào mời mua giúp hàng cho mẹ cháu đi. Thế rồi hai mẹ con mình cũng bán được hàng, kiếm đủ tiền sống lây lất qua ngày mà không phải nhờ vả ai. Một hôm, có người khách dừng lại nhìn chằm chằm vào hai mẹ con rồi lẩm bẩm:
_ Sao lại ra nông nỗi này ?
Thì ra là chú Tòng, bạn cùng lớp với ba ngày xưa. Chú Tòng thấy hai mẹ con ngồi phơi nắng ngoài vỉa hè để bán mấy cái quần đùi trẻ em thì lấy làm ái ngại vô cùng:
_ Đi về ! thật là tội nghiệp cho cháu. Chị hãy mau thu dọn hàng hóa, lên xe em chở về. Chỗ này không thích hợp cho chị đâu.
Về tới nhà, chú Tòng dặn dò mẹ là hãy cố nuốt căm hờn, nhẫn nhịn quay trở lại trường để trình diện Ban Giám Hiệu mới, lấy quyết định đi dạy học trở lại. Cố gắng sống can đảm chờ đợi ngày ba con về. Chú bảo cái loại người như mẹ không thích hợp ở nơi chợ búa, có ra chợ buôn bán thì cũng bị lừa sạch vốn mà thôi. Thế là mẹ phải quay về lại trường cũ để theo học một lớp chính trị bắt buộc theo quy định rồi mới được đứng trên bục giảng.
Rồi mẹ cũng cho ra đời một đứa bé trai bụ bẫm. Thật lạ lùng! Không tiền mua sữa nhưng dù chỉ là nước cơm hòa chung với ít đường thôi mà em con cũng lớn mau, khoẻ mạnh nữa. Có những lần con giúp mẹ cho em bú thì con lại đút nhầm núm vú vào lỗ mũi của em, làm thằng bé ho sặc sụa. Hay có lần thấy em đi cầu, mà mẹ đang bận nấu cơm, con liền bế em bỏ vô chậu rồi cứ thế mà múc nước dội lên đầu em. Cũng may mà mẹ phát giác kịp thời nếu không thì em con bị nhiễm lạnh rồi.
Hơn mười năm dài mẹ một mình vất vả, lặn lội ngược xuôi nuôi hai chị em con. Con lớn lên, đỡ đần cho mẹ rất nhiều việc. Nhà chỉ có ba mẹ con, đôi lúc mẹ bận việc ở trường, bận tu nghiệp, hội họp; Một mình con ở nhà trông coi em, tự nấu tự ăn. Từ khi học lớp một, con đã tự mình đến trường không có mẹ, cha đưa đón.
Có những lúc đang mải mê chơi với lũ trẻ trong xóm, chợt chúng ngưng ngang cuộc chơi rồi reo hò hớn hở vì trông thấy ba hay mẹ của chúng vừa về đến nhà.Tội thay cho con gái của mẹ còn lại một mình tủi thân, về nhà ôm lấy mẹ mà khóc:
_ Mẹ ơi ! Sao ba lâu về quá.
Con gái của mẹ ơi! Con chính là điểm tựa trong đời mẹ đấy, con có biết không ? Hãy vui lên nào.
CHÂU HÀ
Mẹ cũng vậy. Từ khi biết mình mang thai, mẹ vui mừng đến trào nước mắt. Nhưng rồi ba con, ông bà ngoại và các dì, các cậu đều không khỏi lo âu bởi vì sức khoẻ của mẹ rất yếu, do di chứng sốt bại liệt từ bé nên việc đi đứng của mẹ rất khó khăn, ai cũng sợ mẹ không đủ sức cưu mang con cho tới ngày sinh nở. Chỉ riêng mẹ, bằng tình yêu tha thiết đứa con còn là giọt máu nhỏ nhoi trong bụng mẹ, mẹ tin tưởng mình sẽ vượt qua.
Và rồi mẹ đã đi qua những tháng ngày lo âu, hồi hộp để cho ra đời một bé gái khoẻ mạnh, giống cha như hai giọt nước. Đứa bé ấy chính là con đấy, Huyền Chi con gái yêu quý của mẹ.
Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, hai mẹ con mình phải hứng chịu sự mất mát lớn lao của gia đình và của cả dân tộc Việt Nam nữa. Ba con phải đi vào trại lao động cải tạo mà không biết ngày về !...
Những ngày tháng ấy, mẹ đã khóc đến cạn nước mắt khi chợt phát hiện ra con còn một đứa em đang tượng hình trong bụng mẹ. Với tuổi đời còn non nớt , hai mươi bốn tuổi đầu mà mẹ cảm thấy quá sợ hãi khi phải tiếp xúc lăn lộn với đời. Mẹ tưởng như tất cả những ước mơ, hoài bão, niềm tin của mẹ đều sụp đổ hết sau khi ba rời bỏ mẹ con mình. Những ngày tháng ấy, nếu không có con chưa chắc mẹ có đủ nghị lực và niềm tin để tiếp tục sống và làm việc cho đến ngày nay.
Có những đêm con quấy khóc, mẹ ôm con vào lòng, xoa xoa mái tóc con dỗ dành rằng :
_ Con nín đi ! Mai mốt ba về ...
Mẹ dỗ con mà như dỗ cả chính mình. Rồi đôi khi mẹ khóc vì quá vất vả , vì tủi buồn , vì thương đứa con gái bé bỏng mới hơn hai tuổi đầu đã thiếu vắng tình cha , thương cho đứa con đang nằm trong bụng mẹ không biết ngày mai sẽ ra sao?
Con lại bắt chước xoa đầu mẹ mà thỏ thẻ rằng :
_ Mẹ nín đi ! Mai mốt ba về ...
Giờ đây, ngồi nhớ lại câu nói ấy của con, mẹ vẫn còn rơi nước mắt. Hai mẹ con mình đã nương tựa vào nhau mà sống, đã đi qua những tháng ngày khó khăn, thiếu thốn. Mẹ vắng bóng tình yêu của ba con, nhưng bù lại mẹ có được tình yêu của con. Con càng lớn, càng ngoan. Biết mẹ mình yếu đuối, con đã phải tự lực khi còn rất bé.
Có lần mẹ dắt con về quê thăm ngoại, khi ấy con vừa biết đi lẫm chẫm dò từng bước, từng bước một! Mùa mưa, quãng đường từ lộ cái vào nhà ngoại sình lầy trơn trượt. Các anh chị con dì, con cậu của con tuy đã học lớp một, lớp hai ... lớn tướng rồi mà mỗi khi về vẫn được ba mẹ cõng trên lưng. Còn con gái của mẹ , đứa bé chỉ mới hơn hai tuổi đầu thôi đã phải dầm chân xuống bùn. Lúc đầu, con không chịu đi, cứ đòi mẹ bế, mà cái thân bụng mang dạ chửa của mẹ đi một mình còn chưa xong làm sao mà bế được con. Thế là mẹ phải dỗ dành:
_ Hai mẹ con mình cùng đi bắt cá !
Nhìn đôi chân trắng hồng, bé bỏng của con sũng bùn đen nhão nhẹt , bất chợt hai hàng nước mắt của mẹ cứ tuôn trào . Mẹ nhớ tới câu ca dao :
" Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha vắng gót con lấm bùn " .
Ôi ! sao mà giống với hoàn cảnh của mẹ con mình quá, phải không con ?
Thấy tội nghiệp thay cho mẹ con mình bữa no , bữa đói. Bác Trường hàng xóm mới bảo mẹ là cứ 5 giờ sáng thức dậy đi theo bác ra lò mổ heo để phụ việc thì bác sẽ trả công bằng chút ít thịt vụn mang về nấu cháo cho con ăn. Được vài hôm thì mẹ không thể nào tiếp tục công việc được nữa, bởi mẹ biết được rằng mỗi sáng sớm lúc mẹ len lén thức dậy là lúc đó con cũng thức cũng nhìn thấy hết nhưng con cứ giả vờ nằm yên, chờ mẹ đi khỏi là con ra ngồi trước hiên nhà khóc thút thít, ai dỗ cũng không được! Con cứ ngồi ủ rũ như thế cho đến khi mẹ về mới thôi.
Như vậy không xong, mẹ liền tự nghĩ ra phương kế khác để kiếm gạo nuôi con. Thấy thiên hạ đua chen nhau đi mua bán ở chợ trời tấp nập, mẹ cũng tập tành thử xem sao? Nhưng hỡi ơi ! Mới ngày đầu ra chợ không có kinh nghiệm gì, mẹ đã bị kẻ xấu lừa lấy hết tiền, thay vào đó là mớ tiền giả và một bịch giấy vụn. Không nản chí và không còn con đường nào lựa chọn để tìm kế mưu sinh cho mình và con; Mẹ phải đi hết xí nghiệp này đến xí nghiệp khác năn nỉ xin mua vải đầu cây, vải vụn rồi về nhà thức trắng đêm chế biến, ráp nối ra những bộ quần áo trẻ em mang ra vỉa hè chợ ngồi bán. Lần nào đi bán hàng mẹ cũng phải dắt con đi theo vì không biết gởi con cho ai. Còn con của mẹ thì là một đứa trẻ tội nghiệp và lanh lợi, gặp ai đi qua con cũng chạy lại nắm tay chào mời mua giúp hàng cho mẹ cháu đi. Thế rồi hai mẹ con mình cũng bán được hàng, kiếm đủ tiền sống lây lất qua ngày mà không phải nhờ vả ai. Một hôm, có người khách dừng lại nhìn chằm chằm vào hai mẹ con rồi lẩm bẩm:
_ Sao lại ra nông nỗi này ?
Thì ra là chú Tòng, bạn cùng lớp với ba ngày xưa. Chú Tòng thấy hai mẹ con ngồi phơi nắng ngoài vỉa hè để bán mấy cái quần đùi trẻ em thì lấy làm ái ngại vô cùng:
_ Đi về ! thật là tội nghiệp cho cháu. Chị hãy mau thu dọn hàng hóa, lên xe em chở về. Chỗ này không thích hợp cho chị đâu.
Về tới nhà, chú Tòng dặn dò mẹ là hãy cố nuốt căm hờn, nhẫn nhịn quay trở lại trường để trình diện Ban Giám Hiệu mới, lấy quyết định đi dạy học trở lại. Cố gắng sống can đảm chờ đợi ngày ba con về. Chú bảo cái loại người như mẹ không thích hợp ở nơi chợ búa, có ra chợ buôn bán thì cũng bị lừa sạch vốn mà thôi. Thế là mẹ phải quay về lại trường cũ để theo học một lớp chính trị bắt buộc theo quy định rồi mới được đứng trên bục giảng.
Rồi mẹ cũng cho ra đời một đứa bé trai bụ bẫm. Thật lạ lùng! Không tiền mua sữa nhưng dù chỉ là nước cơm hòa chung với ít đường thôi mà em con cũng lớn mau, khoẻ mạnh nữa. Có những lần con giúp mẹ cho em bú thì con lại đút nhầm núm vú vào lỗ mũi của em, làm thằng bé ho sặc sụa. Hay có lần thấy em đi cầu, mà mẹ đang bận nấu cơm, con liền bế em bỏ vô chậu rồi cứ thế mà múc nước dội lên đầu em. Cũng may mà mẹ phát giác kịp thời nếu không thì em con bị nhiễm lạnh rồi.
Hơn mười năm dài mẹ một mình vất vả, lặn lội ngược xuôi nuôi hai chị em con. Con lớn lên, đỡ đần cho mẹ rất nhiều việc. Nhà chỉ có ba mẹ con, đôi lúc mẹ bận việc ở trường, bận tu nghiệp, hội họp; Một mình con ở nhà trông coi em, tự nấu tự ăn. Từ khi học lớp một, con đã tự mình đến trường không có mẹ, cha đưa đón.
Có những lúc đang mải mê chơi với lũ trẻ trong xóm, chợt chúng ngưng ngang cuộc chơi rồi reo hò hớn hở vì trông thấy ba hay mẹ của chúng vừa về đến nhà.Tội thay cho con gái của mẹ còn lại một mình tủi thân, về nhà ôm lấy mẹ mà khóc:
_ Mẹ ơi ! Sao ba lâu về quá.
Con gái của mẹ ơi! Con chính là điểm tựa trong đời mẹ đấy, con có biết không ? Hãy vui lên nào.
CHÂU HÀ
No comments:
Post a Comment