Bên Dòng Tịnh Yên
HUY VĂN
Vừa xong bữa ăn chiều thì trời bỗng dưng kéo đám mây đen. Chẳng bao lâu sau, một cơn mưa rào bất chợt đổ ập xuống. Có tiếng sấm vang động đâu đây lẫn vào tiếng đạn pháo kích của địch nhắm vào phố quận và khu kỹ nghệ An Hòa. Mưa đến thật nhanh mà đi cũng vội để mặt trời lại bừng lên chói chang mặc dù nắng đang khuất núi. Mùi ẩm của đất ướt xông lên từng chập đủ để làm kém đi hương nồng của khói thuốc, nhưng mưa cũng làm dịu cơn nóng của ngày hè, làm mát thêm thoáng gió, và mang lại chút sinh khí cho cây lá chung quanh làng.
Không biết từ lúc nào tiếng súng giao tranh và tiếng pháo kích cũng im bặt. Chưa kịp tận hưởng chút trong lành của không khí thì lại có lệnh họp với Đại Đội Trưởng. Đại úy Vương cho biết ngắn gọn về tình hình mới nhứt của đơn vị bạn và của địch quân. Lần này lại gặp đám nón cối của Sư Đoàn 2 CSBV, mà nòng cốt là hai Trung Đoàn 31 và 38. Ngoài ra còn có đám chủ lực miền: Trung Đoàn 36 Độc Lập và Trung Đoàn 10 đặc công, cùng với các đơn vị Phòng Không (trung đoàn 537), Thiết Gíap và Sơn Pháo. Tổng cộng hơn một sư đoàn quân chính quy cộng sản đang có mặt trong vùng.
Không kể Tiểu Đoàn 78 BĐQ, các Đại Đội Biệt Lập, một Tiểu Đoàn ĐPQ và Tiểu Đoàn 3/ Tr Đoàn 56 (Sư Đoàn 3BB) đã tan hàng thì chỉ có Trung Đoàn 2/Sư Đoàn 3BB đã và đang cầm cự với địch quân suốt một tuần qua. Và bây giờ thì tới phiên Liên Đoàn 12 BĐQ nhập trận. Cuộc chuyển quân chiều nay đã không tránh khỏi thương vong như dự đoán: địch đã “luộc“ một “con cua“ của Thiết đoàn 11 bằng AT3 ngay khi chiến xa vừa vượt qua đoạn đường dẫn vào khu kỹ nghệ An Hòa. Chuẩn úy Thắng của Đại Đội 4 không may bị “nướng“ chung với 6 chiến sĩ khác trên một thiết vận xa. Chưa biết rõ chi tiết về tình trạng thương vong của những chiến sĩ kém may mắn đó, nhưng coi như đã có tổn thất đáng kể ngay khi mới vào vùng hành quân. Những ngày cam go của người lính Nũ Nâu lại bắt đầu!
19H30 Nắng tắt hẳn. Bóng tối lan nhanh. Tiến quân! Trung Đội 1 lại dẫn đầu. Mục tiêu: Núi “Một“, tên đơn vị tự đặt ra để gọi một cao điểm nằm về hướng Tây Bắc của ngọn Song Sử, trên rặng Dương Côi. Lính âm thầm di chuyển. Một hàng dọc. Bóng người lẫn khuất vào trong màn tối u tịch của núi đồi. Tiếng súng lớn, nhỏ đã im bặt từ lâu. Càng phải đề cao cảnh giác vì địch đang rình rập đâu đây không chừng.
“…Đổi quân là lúc nguy hiểm nhất! Nhớ lấy kinh nghiệm trong trận Suối Đá vừa qua. Phải hết sức cẩn thận!...” Lời Đại úy Vương dặn dò ngay trước khi xuất phát, cộng với tin tức nhận được khi Nông Sơn thất thủ làm tâm trạng của Lính bồn chồn không ít.
- Ê! Bốn mắt! Có thấy đường để dẫn quân không vậy!?
Câu nói của Thiếu úy Lợi cắt ngang dòng suy nghĩ. Có lẽ người Đại Đội Phó vui tính thông cảm cho đàn em hay “được“ Vương Vũ thường xuyên trả lại “nghề Hướng Đạo“ để dẫn đầu mỗi khi vào vùng hành quân, nên kéo Thanh “máy“ vượt đội hình để cùng với tiểu đội khinh binh của Trung Sĩ Bi xông thẳng lên núi. Bóng tối đã bắt đầu dày đặc. Mỗi người cách nhau chỉ chừng vài thước mà nhân ảnh như muốn nhòa vào bóng đêm. Con đường mòn hay dấu chân xuyên phá của khinh binh mà đôi lúc dẫn ngay vào những triền dốc quanh co đứng dựng!? Không có hỏa châu. Không có bóng trăng. Ánh sáng chỉ là những nhấp nháy lờ mờ của vài tinh tú ẩn hiện trên màn trời đậm đặc, sau những vòm cây thưa. Im lặng tuyệt đối! Im lặng nặng nề đến rợn người. Sự im lặng ma quái của Thần Chết!
Thiếu úy Lợi trả lại Thanh “máy“ ngay khi bắt tay được với đơn vị bạn để cùng với Trung Đội 3 của Nguyễn Thanh Vân vòng lên núi “Một” đóng chung tuyến với Đại Đội. Cuộc hoán chuyển diễn ra trong lặng lẽ và ngắn gọn. Dù vậy, người Trung Đội Trưởng của đơn vị bạn cũng đã cẩn thận dặn dò từng chi tiết quan trọng liên quan tới việc bố phòng và tình hình giao chiến trong những ngày qua, kể cả hoàn cảnh không mấy khả quan khi vừa lui binh vừa phải chiến đấu trong ngày.
“Chúng tôi vừa đánh vừa rút về tới đây mới hôm qua. Chỉ kịp đào hầm hố rồi nằm chịu pháo kích để chờ các anh. Tụi nó chắc chắn còn quanh quẩn đâu đây thôi. Chúc may mắn!“
Đại khái chỉ trao đổi bấy nhiêu thôi là anh bạn chuẩn úy, không biết là khóa nào của Thủ Đức hay Đồng Đế vọt ngay theo toán lính của mình. Đêm đặc quánh một màu đen rờn rợn. Đêm chập chùng bóng núi, dáng cây. Đêm trừng ánh mắt để vừa gác giặc, vừa sửa sang, và đào thêm hầm hố.
Từ hai năm qua, dư luận có vẻ khinh thường khả năng tác chiến và kỷ luật của người lính sư đoàn 3BB. Nhưng đêm nay, vị trí đóng quân được bàn giao lại đã chứng minh tác phong chỉ huy của người sĩ quan trẻ thuộc Tiểu Đoàn 1/Trung Đoàn 2. Dù vội vã, và trong tình thế ngặt nghèo, Trung Đội của anh vẫn hoàn tất một vòng đai phòng thủ khá tốt với hố rộng và sâu cho bộ phận chính của Trung Đội cùng với một chốt liên hoàn nằm trên ngọn đồi nhỏ ở kề bên. Cám ơn bạn đã gián tiếp giúp chúng tôi tiết kiệm công sức và thời gian để ấm chỗ qua đêm!
Xong xuôi đâu vào đó thì cũng vừa vặn có tiếng của Vương Vũ lên máy gọi. Ông cần xác định vị trí đóng quân của chúng tôi, thông báo vị trí và tình hình chung của các trung đội 2 và 3, nhận các điểm hỏa tập cận phòng và tiên liệu, rồi chấm dứt điện đàm bằng những lời dặn dò quen thuộc của một cấp chỉ huy hết lòng lo lắng cho thuộc cấp. Đêm thâm u mang gió lùa lành lạnh. Đêm Trường Sơn thả màn sương đượm mùi tử khí tràn lan khắp nơi. Đêm im lắng một cách không ngờ càng làm cho Lính thêm đề cao cảnh giác.
Một lần nữa, Trung Đội 1 được phân công làm tiền đồn ngoại vi cho Đại Đội. Trung Đội 3 của Nguyễn Thanh Vân nằm chung với ban chỉ huy Đại Đội, còn Trung Đội 2 của Lê Văn Hữu bảo vệ hướng Đông Bắc, canh phòng tỉnh lộ chạy từ An Hòa qua Phường Ranh để vào Khương Quế rồi đến tận Trung Phước, Nông Sơn. Chỉ còn không đầy ba cây số trên địa hình là đến đích!
Thứ sáu 26-07-1974
Đêm yên lành được tiếp nối bằng một ngày nắng ráo nên công việc cần làm ngay lập tức là tu bổ lại tuyến đóng quân, tăng cường hầm hố, bố phòng nghiêm nhặt, và nhứt là phải cảnh giác tối đa để không bắn lầm những quân nhân tản lạc còn đang cố tìm đường về đến phòng tuyến quốc gia.
Sau đó thì một vòng thám sát địa thế lân cận cũng đủ cho Lính khờ người. Tàn tích của chiến tranh vẫn còn rải rác khắp nơi, nhưng ngày đầu nhập trận lại không có một dấu hiệu nào cho thấy địch đang vọng động. Mọi thứ đều yên lắng một cách khó hiểu. Tìm địch ở đâu trong màn xanh vô tận của núi rừng trùng điệp đang dàn trải trước mắt?! Phía Tây và hướng Bắc của quận Đức Dục là vùng núi chập chùng của Trường Sơn hùng vĩ. Với một chút tưởng tượng, người ta dễ dàng nhận ra hình dáng của ba dãy núi Dương Côi, Kỳ Vĩ, và Hòa Châu chẳng khác gì móng vuốt của một thần ưng vươn dài, theo trục Đông Bắc - Tây Nam, như muốn quặp lấy con rắn Thu Bồn đang uốn mình ngay khúc sông Tịnh Yên, nơi có làng chài Khương Quế vốn cũng là một vựa lúa trù phú nằm ngay cửa ngõ đi vào Nông Sơn.
Ba dãy núi liên hoàn trông thật bề thế và mang tầm quan trọng ngang nhau về mặt chiến lược, với rặng Dương Côi có ngọn Sông Sử là mắt thần quan sát toàn bộ hồ nước có đập Khê Cống và khu kỹ nghệ An Hòa ở phía Đông Nam và khi về tới bến sông Tịnh Yên ở hướng Bắc, thì Dương Côi tạo thêm một cao điểm trọng yếu là núi “Một”. Cột núi có hình dạng như một gò mối khổng lồ, hay một ống khói ngất ngưỡng ở cao độ 120 mét này là tiền đồn cận phòng của chi khu Đức Dục và cũng là chốt quan sát mọi động tĩnh trên sông cũng như trên tỉnh lộ 537 từ Duy Xuyên dẫn vào Nông Sơn, chạy ngay dưới chân núi.
Kỳ Vĩ là rặng núi cùng song hành với Dương Côi để cắm xuống Khương Quế. Cuối rặng Kỳ Vĩ có một chốt quan sát đặt tại cao điểm 238, là nơi đã diễn ra những trận thư hùng đẫm máu giữa ta và địch suốt hai tuần vừa qua. Còn Hòa Châu là rặng cao nhứt chạy thẳng xuống Khương Trung, nơi có cao độ 284, vốn là tiền đồn trọng yếu, là chốt cận phòng của quận Nông Sơn và cũng là đài quan sát mọi sinh hoạt trên sông Thu Bồn cũng như trên tỉnh lộ 537.
Cao điểm 238 và 284 đã lọt vào tay địch. Đây sẽ là những mục tiêu cần thanh toán gấp nếu muốn vào lại Nông Sơn.
Thứ bảy 27-07-1974
Không như hôm qua. Tờ mờ sáng đã thấy trời kéo mây vần vũ. Mưa đổ liên hồi, có khi lất phất, nhiều lúc nặng hạt. Lạnh! Nhưng Lính không thể ngồi yên. Lại đóng vai trinh sát bất đắc dĩ để truy tìm dấu vết của địch quân. Lần này thì chú trọng vào sườn dốc từ nơi chúng tôi trải dài đến hết dãy núi và khu vực thung lũng dẫn xuống Khương Quế. Trung đội chúng tôi coi như làm tiền đồn cho Tiểu Đoàn về hướng Tây Bắc, trong khi đó đơn vị gần nhứt là Đại Đội 2 của Trung Úy Võ Văn Hiền trên Kỳ Vĩ vốn nằm ngang tầm nhưng chệch về phía chính Tây của Đức Dục để quan sát động tĩnh của địch trong khu vực đèo Le và dãy Hòa Châu của vùng Quế Sơn và cũng để canh chừng chốt 238 đang bị địch chiếm giữ.
Mưa lê thê. Đất trời sũng nước. Trung Đội thận trọng dò từng bước để thám sát những nơi khả nghi. Trước mặt không có bạn, sau lưng thì chỉ có cặp mắt của đại đội trưởng Vương Vũ thường xuyên quét, đảo trên núi đồi xám xịt. Cảm giác không khác gì lúc Trung Đội thả chân xâm nhập vào khu làng của xã Đức Lương đầy mìn bẫy trong quận Mộ Đức, Quảng Ngãi hồi cuối tháng Tư. Chỉ khác có một điều là bây giờ mưa gió sũng trời, còn khi đó thì nắng chói chang.
Không thấy động tịnh của địch lúc di chuyển lục soát, nhưng lúc chúng tôi về lại tuyến đóng quân, chưa kịp lo cơm chiều thì một loạt đạn cối rót vào phòng tuyến và rơi trên núi Một. Nhiều quá! Đếm không xuể. Tiếng đạn rời nòng nghe lanh lảnh, thật gần, và rền vang khắp núi rừng. Sau hàng loạt “toong toong” lạnh người là những tiếng rít như xé gió của đạn cối, rồi ngay sau đó là tiếng nổ chát chúa hòa lẫn với âm thanh “phụp, phụp” khô khốc tưởng như là đạn bị lép. Nhưng không! “Coi chừng delay phá hầm! Ngóc đầu lên quan sát! Giữ vững vị trí!...” Tiếng của đại úy Vương lồng lộng từng hồi trong máy PRC 25.
Đất, đá, cây, cỏ tung xới khắp nơi càng làm cho tầm quan sát thêm mờ mịt. “Chơi lựu đạn nếu tụi nó ‘tấp’ mình!” Tôi hét trong tiếng nổ liên tục của đạn cối.
- Chuẩn úy! Vương Vũ hỏi mình có thấy gì không?
Thanh “máy” vừa rướn mắt nhìn quanh vừa báo cáo với tôi. Thấy gì mới được!? Xếp ở trên cao. Tụi này dưới thấp. Trời đang mưa. Sương hay khói cũng khó phân biệt, nói chi đến chuyện dò tìm vị trí của súng cối địch. Họa chăng chỉ có đoán hướng và đoán cả khoảng cách mà thôi! Tôi thầm nhủ và hồi hộp chờ nghe tiếng hô xung phong của địch. Nhưng bóng nón cối không thấy đâu và sau khoảng nửa giờ thì cối của địch đồng loạt im tiếng. Nhìn lại tuyến phòng thủ của trung đội mới thấy dường như có một sự che chở nào đó thật nhiệm mầu: chúng tôi hoàn toàn vô sự về nhân mạng và thiệt hại chỉ là một trái Claymore bị đứt dây bấm chốt nổ và vài hầm hố bị delay cùng đạn nổ kề bên bứng đất, văng đá phủ đầu và làm điếc tai vài người thuộc tổ đại liên, riêng tiền đồn của trung sĩ Bi hầu như không hề hấn gì.
Chỉ cách nhau một yên ngựa chừng 50 thước mà bộ phận chính của trung đội lãnh đạn cối tơi bời còn chốt cận phòng của khinh binh thì không có trái đạn nào rơi vào vị trí. Đang mừng cho mình thì nhận được tin không vui từ đại đội: bốn binh sĩ bị trọng thương trong đó có binh nhứt Ron, hiệu thính viên mang máy nội bộ cho đại úy Vương bị thương trên đầu. Người quân nhân vui tính mang hai dòng máu Việt- Mỹ có tên thánh là John nên gia đình làm khai sinh tên Ron cho dễ gọi- vốn là bạn thân thiết cùng về đơn vị một lượt với Thanh “máy”, nên khi Ron bị thương thì Vương Vũ nghĩ ngay tới người lính truyền tin của chúng tôi. Thanh “máy” rời trung đội ngay lập tức trước khi trời tối hẳn. Đứa em Sàigòn Trần Minh Sơn thay thế Thanh làm hiệu thính viên cho Trung Đội 1.
Chúa nhựt 28-07-1974
Đêm trôi qua thật chậm. Mưa đã ngừng rơi từ lâu. Sáng le lói nắng. Im lặng! Một thứ im lặng khó hiểu đè nặng lên núi rừng còn ẩm ướt. Vừa đảo một vòng quan sát tuyến phòng thủ và qua dặn dò trung sĩ Bi bên chốt tiền đồn thì có lệnh của Vương Vũ
- “...Lục soát những vị trí bên sườn núi phía Tây Bắc của rặng Kỳ Vĩ. Chú ý ngọn đồi sát tỉnh lộ và khu làng Khương Quế bên kia đường, ngay sát bờ sông!”
Lật bản đồ, đối chiếu với địa thế mới thấy khó ăn vì chỉ có một lối di chuyển duy nhứt là bám triền, vượt núi nếu không muốn bị địch phát giác. Trong khi đó chỉ cần vòng qua thung lũng để men theo triền dốc dưới chân núi “Một” thì chẳng mấy chốc sẽ nhìn thấy tỉnh lộ 537 và Khương Quế ngay bên khúc sông êm đềm có cái tên thật dễ thương và gợi cảm: Tịnh Yên! Đường chim bay chỉ chừng 300 thước mà sao dài thăm thẳm khi phải mò mẫm phát quang để dò dẫm bước! Nhưng rồi chúng tôi cũng tới đích khi toán “viễn thám bất đắc dĩ “ ra hiệu dừng quân:
-“Đã nhìn thấy làng chài...” Cẩm, đứa em khinh binh quay trở lại báo cáo.
Tôi kéo Sơn “chẩu” theo sát Cẩm để tới chỗ Trung Sĩ Bi và toán của anh đang ẩn nấp. Nhìn lại bản đồ thì đúng là Khương Quế và ngọn đồi bên trái tỉnh lộ chính là điểm kết thúc của núi rừng từ dãy Dương Côi cắm thẳng xuống tỉnh lộ như hình ảnh “móng chân của quái điểu” đang vươn dài xuống để gắp lấy “con rắn nước Tịnh Yên”.
Đại quân của địch đang đóng ở đâu?! Cối của địch ém nhẹm nơi nào?! Hướng chính Tây, nơi có phần đất thân yêu mang tên Nông Sơn vừa bị địch chiếm đóng thì núi rừng nhấp nhô như sóng lượn. Không thể nhận ra được nơi đại đội 2 của trung úy Võ Văn Hiền đóng quân bên dãy Kỳ Vĩ. Ngọn đồi chiến lược 238 nằm ở đâu và ngọn 284 của Nông Sơn là điểm cao nào trong màu xám ảm đạm của một ngày không có nắng?! Mải mê quan sát và nghe ngóng động tĩnh nên tôi quên là từ khi xuất phát đến giờ, trung đội hoàn toàn im lặng vô tuyến. Đại úy Vương chắc chắn sốt ruột ghê lắm. Tuy nhiên, để tránh bị địch phát giác, tôi kéo Trần Minh Sơn lạng xuống dốc để tìm nơi kín đáo lên máy liên lạc với đại đội.
- “Có chắc chắn không?!” Vương Vũ hỏi lại khi tôi vừa báo cáo xong.
- “Chắc chắn! Hiện nay chúng tôi đang ở rất gần. Thẩm quyền tính sao?”
- “Chờ đó! Tôi sẽ cho lệnh sau! Phải hết sức cẩn thận. Nhớ ‘về nhà’ mỗi đầu giờ!”
Lại im lặng vô tuyến để chờ đợi, mà sự chờ đợi nào cũng mang màu sắc tâm lý thật lê thê. Đầu giờ mở máy liên lạc thì cũng chỉ nhận lệnh “chờ đợi”. Trong khi đó thì địch đang ở ngay trước mắt. Chúng đang có ý định gì đây? Đóng chốt để chận đường tiến quân của ta hay giữ lộ trình cho chiến xa và bộ đội bôn tập từ Nông Sơn về Đức Dục?
Nhắc Nông Sơn mới nhớ lời chuyện trò với một lão niên tại khu vực đồng bào tỵ nạn ở cạnh quận lỵ An Hòa, ngay trước khi vào vùng.
- “Làng Đại Bình của chúng tôi đẹp lắm. Cũng là nơi duy nhất của xứ Quảng có trồng nhiều loại cây ăn trái lấy giống từ trong miền Nam từ hồi 1950 lận!” Ông lão vừa nói vừa rớm nước mắt.
- “Tôi chỉ mong có ngày yên ổn đặng về làng tiếp tục trồng cây ăn trái. Nhưng chắc là tiêu rụi cả rồi!”
Ứơc mơ thật giản dị, thật bình thường nhưng buồn thay, địch đã làm chủ vùng đất hiền hòa đó và tương lai Nông Sơn, Trung Phước không biết sẽ ra sao!
- “Chuẩn úy! Đại đội cho lệnh rút và cử người đi lãnh tiếp tế ngay lập tức!” Tiếng của Sơn “chẩu” kéo tôi ra khỏi dòng suy tưởng.
Nghe nói tiếp tế thì ai nấy mừng húm. Rời hậu cứ hơn một tuần, lương thực cũng sắp cạn nên việc nhận tiếp liệu và thực phẩm được xúc tiến thật nhanh chóng mặc dù khá vất vả vì ngoài lương thực thì chúng tôi còn được nhận thêm 2 thùng lựu đạn M67, bốn trái mìn Claymore và... áo giáp cho mỗi người!
- “Mặc áo giáp ngay! Canh phòng cẩn mật! Coi chừng tụi nó pháo rồi ‘tấp’ ngay sau đó!” Vương Vũ dặn dò cẩn thận theo thông lệ.
Nhưng rồi một ngày lại trôi qua thật bình yên. Hôm qua địch dùng súng cối để cướp tinh thần lính Mũ Nâu. Hôm nay thì núi rừng như lắng đọng và tiếng động duy nhứt chỉ là tiếng “vo ve” của chiếc đầm già đang lẻ loi lượn cánh tít trên cao. Chắc chắn là có dấu hiệu gì đó nên Liên Đoàn mới xin L19 lên bao vùng. Mặc kệ! Tới đâu thì tới! Yên được lúc nào hay lúc đó! No bụng để qua đêm cái đã!
Thứ hai 29-07-1974 - Thứ ba 31/07/1974
Tờ mờ sáng, tiếng “đề pa” của cối địch lại rền vang khắp núi rừng. Đạn lại cày xới khắp tuyến và cũng như như hôm kia, phòng tuyến trên núi “Một” bị pháo kích tơi bời. Hầu như cũng cùng một lúc là có tiếng súng nổ liên hồi tại nơi Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn đang đóng quân. Chỉ sau một thời gian ngắn là đã có A-37 từ Đà Nẵng lên vùng. Từng nhóm hai chiếc “taxi biết đằng vân” luồn lách trong những cụm khói của phòng không và cao xạ 37 ly trông như trong phim của Hollywood. Trong khi đó thì “đầm già” chỉ như con nhạn lẻ loi lòng vòng ở tít trên cao.
Pháo binh của địch nổ không ngừng tại khu kỹ nghệ và phi đạo cũ của An Hòa. Phòng không 37 ly của địch nổ như bắp rang và thả từng cụm hoa pháo ngập trời. Xen kẽ vào đó là tiếng bom của ta rơi từng chập tại những địa điểm có bóng dáng địch tại các ngọn đồi ở hướng Đông Nam của đập trữ nước Khê Cống. Bốn phi xuất trong hai tiếng đồng hồ đủ làm núi đồi rung chuyển từng hồi. Khoảng cách tuy khá xa: hơn một cây số đường chim bay, nhưng nhờ không bị cây cối làm vướng mắt và từ trên núi nhìn xuống nên chúng tôi vừa hồi hộp theo dõi trận chiến dưới sân bay An Hòa, vừa lo lắng không biết địch có tấn công mình hay không.
Vẫn là kiểu tập trung các họng cối để phủ đầu, nhưng lần này chúng tập trung vào núi “Một” nhiều hơn. Cũng nhờ có Thanh “máy” bây giờ đang ở cạnh đại úy Vương nên tin tức từ đại đội đều được “phát thanh” cho chúng tôi đều đặn. Đại khái là nhờ có chuẩn bị nên lần này đại đội không bị hề hấn gì sau trận pháo kích lúc hừng đông, ngược lại Vương Vũ còn giao cho Thiếu Úy Lợi để ý sát nút động tịnh dưới Khương Quế và chốt địch tại ngọn đồi sát bên tỉnh lộ 537.
Cuộc giao tranh tại phòng tuyến của Liên Đoàn còn đang diễn ra ác liệt thì bất ngờ có thông báo của đại đội là A-37 sẽ oanh kích Khương Quế và ngọn đồi khả nghi chúng tôi mới thám sát hôm qua. Chỉ sau một thời gian ngắn là hai chiếc khu trục A-37 thay nhau lướt qua đầu chúng tôi để dội bom xuống khu làng dưới khúc sông Tịnh Yên. Xa quá không thấy được gì ngoại trừ sau tiếng bom nổ là những cụm lửa khói bốc lên nghi ngút. Ngay sau đó là từng tràng pháo binh rải đạn vào những vị trí khả nghi của địch hay những nơi chiếc L19 chỉ điểm tại các dãy Vân Chi và khu vực nằm giữa Kỷ Vĩ và Hòa Châu.
Đạn dược đang trong tình trạng khan hiếm nơi đâu thì không biết, chỉ cần căn cứ vào những tiếp liệu vừa qua và sự yểm trợ của Sư Đoàn 3BB thì không cần viện binh, Liên Đoàn 12 BĐQ cũng đủ sức đối đầu với địch nhờ vào sự giúp sức tối đa của Không Quân và Pháo Binh ngay từ ngày đầu nhập trận.
Tình hình trong lúc này cho thấy Liên Đoàn đã nắm rõ ý định của địch: thành phần chủ lực của chúng từ thung lũng Quế Sơn lén vượt qua đập trữ nước Khê Cống để tấn công trực tiếp Tiểu Đoàn 21 BĐQ và khóa đuôi Liên Đoàn tại cầu Phú Đa ngay trên tỉnh lộ 537, đồng thời chúng cũng uy hiếp quận lỵ Đức Dục- do Tiểu Đoàn 39 BĐQ trấn giữ với sự phụ trợ của Trinh Sát SĐ3BB đóng trên đỉnh Lôi Giáng- bằng cách rải chốt dọc theo con lộ và trong các khu làng Khương Quế, Phường Ranh ngay dưới chân của dãy Dương Côi. Lần này thì địch đã không thể lấy thịt đè người mà chỉ làm mồi cho phi cơ và pháo binh tha hồ oanh tạc.
Chỉ trong ngày này thôi -theo lệnh của tướng Ngô Quang Trưởng- Không Quân Đà Nẵng đã thực hiện 67 phi vụ để vừa giải tỏa áp lực địch chung quanh Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 12 BĐQ tại khu vực sân bay An Hòa, đồng thời tiêu diệt các ổ cao xạ 37 mm của Trung Đoàn 573 Phòng Không và các họng súng thuộc Trung Đoàn 572 Pháo trong vùng núi Hòn Vung và đập Khê Cống. Ngoài ra, Liên Đoàn cũng được sự yểm trợ tối đa của tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư Lệnh Sư Đoàn 3BB về mọi mặt, đặc biệt là pháo binh với các pháo đội 175 ly và 155 ly đặt tại cầu Giao Thủy, cộng với pháo binh 105 ly diện địa trong vùng Đại Lộc, Đức Dục, cùng với một chi đoàn chiến xa M113 của Thiết Kỵ 11 tăng phái từ lúc BĐQ chính thức nhập trận hôm 25-07-1974.
Nói chung thì tình hình trong khu vực của Tiểu Đoàn 37 BĐQ vẫn còn yên ổn suốt mấy ngày qua. Trong khi đó thì trận chiến tại phi đạo An Hòa, nơi đặt bản doanh của Liên Đoàn 12 BĐQ vẫn giữ mức ác liệt như lúc khởi đầu. Địch dồn hết mọi nỗ lực để tấn công vào Bộ Chỉ Huy của đại tá Trần Kim Đại và nhiều lần dùng tới AT-3 để uy hiếp các thiết vận xa M113 hay nhắm vào các công sự chiến đấu quanh bộ chỉ huy Liên Đoàn. Từ trên cao nhìn xuống thì AT-3 trông như một cách chim nhấp nhô uốn lượn theo địa hình của phần đất giao tranh rồi cắm thẳng vào tuyến của Tiểu Đoàn 21 BĐQ.
Khoảng cách khá xa nên không rõ thiệt hại sau tiếng nổ ra sao, nhưng mặc cho AT-3, sơn pháo 122 ly, không giựt 75 ly, hay những loại cối có dồn dập phủ chụp trên phòng tuyến của BĐQ tai khu kỹ nghệ và phi trường An Hòa, mặc cho những đợt tấn công biển người của cộng quân, khoảng trống trong khu vực đóng quân của Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn vẫn thường xuyên có trực thăng lên, xuống. Chiếc nào lo việc tải thương? Chiếc nào là CNC của Tư Lệnh sư đoàn 3BB? Chiếc nào thả Trung Tướng Ngô Quang Trưởng xuống để vị Tư Lệnh Quân Đoàn I và Quân Khu I trực tiếp theo dõi các trận đánh?! Bóng người li ti chạy qua, chạy lại sau màn bụi khói và những đất đá tung tóe tạo thành một bức tranh linh động không có kịch bản xi nê nào diễn đạt được.
Chúng tôi vừa đề cao cảnh giác, vừa theo dõi diễn tiến của trận đánh dưới khu kỹ nghệ An Hòa. Tình hình trên Kỷ Vĩ và Dương Côi yên lặng khác thường vì mấy hôm rồi không thấy địch “chiếu cố” đến chúng tôi, ngoại trừ những đợt pháo kích ào ạt bằng đạn súng cối. Còn đang bán tín bán nghi về ý định của địch thì Sơn “chẩu” trao máy cho tôi để gặp Vương Vũ. Sau những lời dặn dò thường lệ, Đại Úy Vương nghiêm giọng báo tin Thường Đức vừa bị Trung Đoàn 29 của Sư Đoàn 324 CSBV tấn công và Đà Nẵng cũng đang bị pháo kích lẻ tẻ. Như vậy là địch tung hơn 4 sư đoàn chính quy vào hai trọng điểm miền núi vốn là tiền đồn ngoại vi của Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Nông Sơn đã mất, Thường Đức và cả phía Đông Bắc của quận Đức Dục cũng đang bị tấn công dồn dập. Địch chọn sân chơi, ta cạn láng trừ bị.
Chiến trường Quảng Nam bây giờ chỉ còn trông đợi vào sự quyết tâm tử chiến của sư đoàn 3BB và Liên Đoàn 12 BĐQ, đơn vị tổng trừ bị cơ hữu của Quân Đoàn I và Quân Khu I. Bỗng nhớ tới lời nói của một bạn khóa 58 RNSL lúc tôi sắp ra đơn vị: “
- Nếu mày được về tiểu đoàn 79BĐQ thì sẽ tha hồ ngắm sơn nữ để làm thơ!”
Số mạng do Trời định phận nên tôi về Liên Đoàn 12 BĐQ, một đơn vị tiếp ứng và cũng là đơn vị tổng trừ bị cho cả Quân Khu thay vì được phân phối về tiểu đoàn biên phòng. Đúng là ý trời!
Thứ tư 31/07/1974 - Chúa Nhựt 04 /08/1974
Chiến trường quanh khu kỹ nghệ An Hòa lắng dịu bất ngờ sau những ngày chạm súng khốc liệt. Toàn bộ khu vực quanh quận lỵ Đức Dục cũng bỗng dưng im lặng sau hai ngày kịch chiến với trung đoàn 36 cộng sản của tiểu đoàn 39 BĐQ do thiếu tá Hồ Văn Hạc (khóa 19 VBQG) chỉ huy. Không khí nặng nề y hệt như lúc chúng tôi mới nhập trận. Lợi dụng lúc đang yên tĩnh, đại úy Vương lại cho lệnh lục soát các nơi khả nghi, đồng thời thám thính lần nữa chốt địch dưới tỉnh lộ và khu làng chài Khương Quế.
Lần này, trung đội chúng tôi không theo lối cũ mà vòng hẳn qua bên sườn phía Bắc của núi “Một” để vừa tiết kiệm thì giờ, vừa có thể quan sát động tĩnh của địch bên sườn phía Đông của dãy Kỳ Vĩ. Tuy nhiên, khi vừa chọn được một vị trí ém quân lý tưởng chỉ cách chốt địch một thung lũng rộng, nhưng nông sâu chưa rõ, thì có lệnh của Vương Vũ cho trung đội bẻ hướng vòng qua phía Bắc để thám sát địa thế của khu vực trảng tranh ở lưng chừng triền núi “Một”. Nhìn trên bản đồ thì mục tiêu đó đã nằm cạnh con đường huyết mạch từ Đức Dục dẫn vào Nông Sơn và cách tuyến phòng thủ của trung đội 2 chừng một tầm trực xạ của M79.
- Thằng Hương Giang đã dẫn gia đình đi tìm hang rắn rồi. Cứ tới đó xem sao rồi về nhà cho tôi biết ngay!
Bằng ngụy thoại, đại úy Vương cho biết là Trung Đội 2 của Lê Văn Hữu đã hạ san để thám sát tỉnh lộ. Như vậy thì kẻ ở trên núi, người phía dưới đường, chúng tôi đang tiến dần vào khu vực rải quân của địch tại khúc sông Tịnh Yên. Sau khi nghe báo cáo về tình hình yên tĩnh nơi trảng tranh và vị trí ém quân để quan sát mà chúng tôi vừa tìm được, thì trung đội được lệnh nằm tại chỗ để chờ Thiếu Úy Lợi dẫn trung đội 3 của Ti Vi Nguyễn Thanh Vân đến bắt tay chúng tôi. Người đại đội phó hài lòng ra mặt khi nhìn thấy địa thế lý tưởng để vừa quan sát động tĩnh dưới làng vừa theo dõi chốt địch bên kia núi. Địch rõ ràng là ở không xa nhưng vì sao không tìm cách tấn công Tiểu Đoàn 37 BĐQ chúng tôi mà chỉ dùng sơn pháo và cối đủ loại để phủ đầu?!
Đại úy Vương giải thích:
- Chúng nó biết mình đã lên núi nên chỉ lo khóa đuôi Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn dưới khu kỹ nghệ An Hòa. Nếu “ông già” bể tuyến thì coi như cả tiểu đoàn mình thành cá nằm trên thớt. Bọn nó muốn làm gì thì chả được?!
Nhưng “Ông Gìa” không bể tuyến, mà ngược lại Đại tá Trần Kim Đại đã tận dụng khả năng tác chiến thần tốc của tiểu đoàn 39 BĐQ để bẻ gãy hai đợt tấn công của Trung Đoàn 36 Độc Lập (chủ lực miền, vốn trực thuộc Sư Đoàn 308 CSBV trước đó) tại quận lỵ Đức Dục trong hai ngày 29 và 30/7/74, rồi sau đó sát cánh với Tiểu Đoàn 21 BĐQ của thiếu tá Nguyễn Văn Long phản công và truy quét lực lượng địch thuộc Tiểu Đoàn 10 đặc công và thành phần còn lại của Sư Đoàn 2 CSBV trong những ngày tiếp theo.
Mãnh hổ đầu đàn của Liên Đoàn12 BĐQ đã khẳng khái trả lời Tướng Hinh là ông chỉ cần được tiếp tế đạn dược đầy đủ, kịp lúc, và được phi cơ và pháo binh yểm trợ bất cứ khi nào ông cần đến. Tướng Hinh đã giữ lời. Nhờ vậy, sau gần hai tuần bị các đơn vị chính quy cộng sản gồm các trung đoàn 1, 31, 38 của sư đoàn 2 CSBV thay nhau tấn công, Đại tá Trần Kim Đại vẫn còn “vốn” để chơi xả láng với quân địch: đó là tiểu đoàn 37 BĐQ.
Số thương vong của cả bốn đại đội tác chiến hầu như không đáng kể sau những trận mưa pháo của địch ngay từ khi mới vào vùng cho đến những ngày gần đây. Áp lực của địch tại khu kỹ nghệ và quanh quận lỵ An Hòa đã không còn. Đường vào Nông Sơn theo lệnh của Quân Đoàn nay đã có thể thực hiện bằng bước đầu... dọ dẫm. Dựa vào tin tức tình báo và qua quan sát, thám thính của các đơn vị, Liên Đoàn quyết định giao cho tiểu đoàn 37 BĐQ tấn công xuống Khương Quế và dọc theo tỉnh lộ 537 trong đêm về sáng của ngày Chúa Nhựt 4/8/1974.
Thế là cả Đại Đội 3 ráo riết chuẩn bị. Xét về vị trí thì Đại Đội 2 của Trung Úy Hiền trực diện cái gai khó nuốt nhứt: cao điểm 238 trên dãy Kỳ Vĩ. Nhưng địa thế thật hiểm trở và núi rừng trùng điệp khó có thể điều động quân vượt núi, băng rừng và không rõ tình hình rải quân của địch trên đó ra sao, nên Đại Đội 3 lãnh ấn tiên phong để gỡ chốt địch rồi men theo đường lộ tiến dần về hướng Nông Sơn. Coi như đây là trận đánh thăm dò nên chỉ có đại đội 3 của chúng tôi lâm trận, các đại đội khác vẫn án binh bất động. Việc chuẩn bị bao gồm kế hoạch thả Trung Đội 2 của Lê Văn Hữu xuống tỉnh lộ để bố trí cặp theo chân núi để vừa làm trừ bị, vừa sẵn sàng tấp vào làng chài khi tình hình cho phép. Trung Đội 3 sẽ dựa vào địa thế rậm rạp của thung lũng giữa núi “Một” và chốt địch tại mõm núi Khương Quế để tìm lối tiến sát mục tiêu nằm chờ lệnh tấn công. Trung Đội 1 sẽ di chuyển vòng lại triền dốc đã thám sát trước đây để từ đó làm tuyến xuất phát.
Hiệu lệnh tấn công sẽ là đạn trái sáng của cối của đơn vị bắn ngay lúc pháo binh diện địa từ cầu Giao Thủy chấm dứt tác xạ vào làng chài và trên mục tiêu. Tùy theo địa hình và vị trí của từng trung đội mà bắt đầu di chuyển để tất cả đều sẵn sàng tại vị trí tác chiến trước 4 giờ sáng. Thời gian chờ đợi nào cũng dài lê thê, nhứt là khi biết sắp sửa lăn xả vào lửa đạn càng làm tâm trạng thêm phập phồng. Hình như ai nấy đều nhai vội, nuốt nhanh trong bữa cơm chiều để chuẩn bị thật chu đáo cho việc đột kích trong đêm. Nhưng ngay trước nửa đêm thì đại úy Vương gọi máy báo tin hủy bỏ lệnh đột kích. Tuy vậy, toàn thể đại đội được đặt trong tình trạng sẵn sàng tác chiến bất cứ lúc nào. Một lần nữa, chúng tôi khựng lại ngay khi mọi thứ đều được chuẩn bị đâu vào đó.
Lần này Đại Úy Vương cho biết không cần đánh chốt vì nhiều lý do nhưng điểm chính là mình không nắm chắc thành phần trừ bị của chúng và có phải là kế nghi binh để dụ ta vào sâu hơn nữa hay không khi mà bỗng dưng địch im re không có chút động tĩnh, kể cả pháo kích quấy rối cũng không có! Chúng tôi bớt căng thẳng nhưng vẫn cẩn mật đề phòng như thông lệ. Nói gì thì nói, đêm nay trăng sáng như treo đèn, mà đêm trăng sáng thường là đêm không ngủ, hoặc khó ngủ của người Lính trận.
Thứ Hai 05/08/1974
Đêm qua nhanh vì hầu như ai cũng... mất ngủ vì bị đặt vào tình trạng ứng chiến. Mặt trời chưa ấm nắng thì Đại Úy Vương chuyển tin của Liên Đoàn cho hay sẽ có A-37 từ Đà Nẵng vào oanh kích khu làng chài và vùng đồi kế cận để moi các đơn vị của địch có thể đang ém quân trong các vùng đồi lân cận và ngay cả dưới làng. Đây cũng là một nghĩa cử thật cao đẹp của Quân Đoàn khi quyết định chia bớt phần yểm trợ cho Thường Đức -vốn đang trong tình trạng nguy kịch- qua bên chiến trường Nông Sơn- Đức Dục.
Khi chúng tôi an định vị trí thì cũng vừa lúc hai con chim sắt từ hướng chính Đông bay lướt qua đầu rồi thay nhau vòng lại thả từng trái napalm và bom nổ xuống khu làng trông rất bình yên nằm đang khoe màu xanh thắm dưới ánh nắng ban mai. Một chiếc dội bom xuống làng, chiếc kia làm cỏ ngọn đồi có chốt địch và những đồi bên cạnh. Hai cánh “tắc xi biết bay” này vừa xong nhiệm vụ thì hai chiếc khác đã có mặt trên vòm trời Tịnh Yên để làm thêm một cú ngoạn mục y hệt như trong xi nê.
Khi cánh sắt vừa rời vùng, chúng tôi nhận lệnh tấn công ngay lúc lửa khói còn đang nghi ngút. Trung Đội 3 của Nguyễn Thanh Vân chiếm chốt rồi nằm trên đó làm trừ bị, đồng thời cũng có trách nhiệm trông chừng động tịnh của địch ở hướng Nông Sơn để chúng tôi từ trên sườn núi “Một” đâm thẳng xuống Khương Quế, rồi bẻ góc qua hướng Tây khi đến bờ sông Tịnh Yên. Cùng lúc đó thì Thiếu úy Lợi dẫn trung đội 2 của Lê Văn Hữu băng qua tỉnh lộ để thọc sâu vào bên kia bìa làng.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là nhà thì trống không, nhưng ngoài sân hay lẫn trong bụi, lùm, vườn tược thì đầy dấu vết có người ăn, ở... lộ thiên! Rõ ràng đây là một loại tổng hành dinh kiêm trạm xá dã chiến với giao thông hào chằng chịt đó đây. Từ trên cao không thể có ống dòm hay mắt thần nào có thể thấy được hầm hố được đào thật sâu và thật rộng ngay dưới các lũy tre già rậm rạp mọc khắp nơi trong làng. Bông gòn bê bết máu vương vãi khắp nơi. Chai, lọ cùng những dụng cụ trợ y còn nguyện trong các hộp đựng. Trong những ngôi nhà cháy rụi còn dấu vết của những giường tre có thể đã là giường bệnh cùng những lọ huyết thanh truyền dịch chưa xài hết đã phải bỏ lại trước khi tháo chạy.
Địch đã dùng giao thông hào làm nơi dưỡng thương cho thương binh loại nhẹ bằng cách trải chiếu và vải nylon che trên, lót dưới. Toàn bộ khu làng chài trù phú trở thành một trạm hậu cần kiêm trạm xá chỉ trong vòng 3 tuần lễ, tính từ khi địch tấn công vào Nông Sơn vào ngày 17/07/1974, cho thấy lực lượng của địch quả đã có thể chiếm lấy Đức Dục nếu như Trung Đoàn 2 SĐ3 BB không kịp vào tiếp chiến. Địch đã rút lui từ lúc nào không biết nhưng chắc chắn phải chịu tổn thất nhân mạng là cái chắc vì vết máu chưa kịp khô còn đọng lại đó đây trên chiếu, trên các gốc tre, và cả trên các bờ dậu. Chúng lần theo bờ sông để tiếp tục lục soát về hướng đầu làng tức qua khỏi eo núi dưới chốt của trung đội 3 thì có lệnh của Thiếu Úy Nguyễn Văn Lợi, đại đội phó cho dừng quân để bố trí lại đội hình.
Coi như Trung Đội 3 của Nguyễn Thanh Vân là mắt thần quan sát cho chúng tôi từ trên mõm núi, còn dưới làng thì Trung Đội 1 lập chốt bảo vệ cho Trung Đội 2 và toàn bộ thành phần còn lại của đại đội từ núi “Một” xuống lục soát thật tỉ mỉ. Ti Vi là người duy nhứt báo cáo có một xác địch bị bỏ lại. Không tìm thấy vũ khí. Có lẽ địch đã kịp rút đại đơn vị đi ngay từ lần dội bom trước đây và chỉ để lại một số ít làm chốt canh phòng và số ít khác ở dưới làng để phụ tải thương mà thôi.
Khúc sông Tịnh Yên vẫn êm đềm đưa nước về xuôi. Cả khu làng trở về trạng thái im lắng thật thanh bình sau khi chúng tôi hoàn tất cuộc tảo thanh. Nắng hè trưa bỗng dưng dịu mát chi lạ! Nếu không có chiến tranh thì Khương Quế chắc chắn là một thiên đàng hạ giới với tre làng rậm mát, ruộng vườn trù phú và đặc biệt là với nguồn thủy sản bất tận của dòng sông Thu Bồn. Riêng nơi này thì cảnh vật đẹp như tranh vẽ, thật xứng danh với tên gọi: Tịnh Yên! Ai là người đã đặt ra cái tên vừa nên thơ vừa trầm lắng cho khúc sông lặng lờ như chẳng buồn trôi này? Cát vàng trông thật mịn, nước xanh phản chiếu màu trời làm bữa ăn trưa đạm bạc của chúng tôi thật ngon miệng làm sao!
“Cứ tưởng chỉ sông Hương mới có những cồn cát vàng tươi, lóng lánh, không ngờ...!”
Hương Giang Lê Văn Hữu đốt thuốc, trầm ngâm nhìn ra sông vắng. Bờ cát chạy dài theo bìa làng tạo cảm giác như chúng tôi đang du lịch tại một bãi biển nhiệt đới nào đó. Ước gì có thể ngả lưng ngủ một giấc thì không còn gì hạnh phúc cho bằng! Nhưng Lính không có thì giờ để mơ mộng vì Thiếu Úy Lợi cho lệnh Trung Đội 1 chúng tôi rút về vị trí cũ trên núi. Hai trung đội còn lại sẽ phối hợp với Trinh Sát Sư Đoàn 3BB để giữ an ninh cho một đơn vị Công Binh Chiến Đấu sẽ vào Khương Quế rải mìn trên đường lộ nhằm ngăn chận chiến xa của địch.
Đêm nghe tiếng động cơ rì rầm dưới núi. Gọi thăm Ti Vi Nguyễn Thanh Vân cho biết là đang cùng với một đơn vị của Công Binh giữ an ninh cho cuộc đào đất, đặt mìn. Như vậy Đức Dục có thể yên tâm, không sợ địch dùng chiến xa uy hiếp. Nhưng như vậy cũng có nghĩa là sự tái chiếm Nông Sơn cũng dừng lại nơi này. Vô hình chung từ Khương Quế vào tới cao điểm 284 đã trở thành một vùng phi quân sự tạm thời của đôi bên. Có thể địch còn đang liếm vết thương sau khi bị hai Tiểu Đoàn 21 và 39 BĐQ đánh cho tan tác. Cũng có thể phần lớn các đơn vị còn lại của Sư Đoàn 2 CSBV đã bị A-37 dập cho tơi tả nên phải chịu rút lui để bảo toàn lực lượng và tái phối trí không chừng.
Thứ năm 08/08/1974
Mặc dù niềm vui không trọn vẹn vì Thường Đức đã rơi vào tay địch ngày hôm qua, nhưng mấy ngày nay quả là khoảng thời gian an bình đúng nghĩa nhứt của nó tại vùng đồi núi trên rặng Dương Côi và Kỳ Vĩ. Mọi thứ đều yên lắng dưới nắng đẹp, trời trong của ban ngày và bóng trăng vương muộn của ban đêm. Vẫn là những sinh hoạt cố hữu của đời trận mạc, nhưng hai ngày qua Lính mới có dịp để ý tới những bụi sim đang mùa trái chín. Những trái quả may mắn không bị lửa đạn vùi dập được Lính chiếu cố tận tình và hạnh phúc nhứt là được kỳ cọ thoải mái dưới dòng suối trong, mát bắt nguồn từ trên Kỳ Vĩ đổ thẳng xuống đập Khê Cống. Nếu ngày nào cũng như hai hôm qua thì hành quân chẳng khác gì... cắm trại có mang vũ khí!
Nhưng hạnh phúc cuả đời lính thường qua rất vội! Chúng tôi vừa xong bữa cơm trưa thì có lệnh đổi quân! Đại Uý Vưong cho biết Trung Đoàn 54 cuả Sư Đoàn 1BB sẽ vào thay thế cho Liên Đoàn 12 BĐQ. Mọi thứ phải sẳn sàng trước 17.00 H! Đại úy Vương cho biết là Liên Đoàn sẽ thay thế Nhảy Dù bảo vệ quận lỵ Hiếu Đức và vùng Hà Nha để bạn tấn binh vào Thường Đức. Bạch Hổ cuả miền Sông Hương, núi Ngự và Mũ Đỏ từ 2 năm qua “thất nghiệp” ngoài vùng giới tuyến đã phải vào đây phụ lực đủ thấy chiến trường tại Quảng Nam khẩn thiết đến dường nào!
Cũng như lúc chúng tôi vào cuộc, việc đổi quân phải chờ trời sụp tối. Vào đầu tiên thì ra sau cùng. Bàn giao xong thì đã hơn 21 giờ! Khi chúng tôi xuống đến khu kỹ nghệ An Hoà thì cũng gần nửa đêm. Nhận tuyến đóng quân trong đêm đặc quánh, không một chút ánh sáng trên không hay chung quanh mình.
Quá mệt để đào hầm hố nên tôi ra lệnh chung cho cả trung đội là nếu có đụng độ thì nằm tại chỗ. Người nào đứng hay chạy thì đó là kẻ địch. Đêm màn trời chiếu đất cứ thế mà trôi đi trong im lắng tuyệt đối. Mai này ra sao cũng được, miễn đêm im tiếng súng đạn là hạnh phúc rất tuyệt vời! Giã từ Đức Dục. Tạm biệt Nông Sơn. Giấc ngủ mệt nhoài nhưng vẫn mang hình ảnh xóm thôn an lành, trù phú nép mình bên dòng Tịnh Yên muôn thuở hiền hoà.
No comments:
Post a Comment