Sunday, February 5, 2017

Trở Về Chốn Xưa: tạp ghi chuyến về Tampa

Trở Về Chốn Xưa: tạp ghi chuyến về Tampa
          Đa số người ta cho thời gian là một đường thẳng.  Cái gì đã qua thì không bao giờ quay lại.  Chuyện hôm qua chỉ là quá khứ; và cứ thế, cặm cụi bước về phía trước.  Riêng tôi, vốn thường hay để trí óc đi hoang, thích cái lối suy nghĩ bẻ cong không gian lẫn thời gian kiểu Albert Einstein, thì mơ mộng cho thời gian như cái vòng tròn.  Tôi hay luẩn quẩn và tự giam mình vào những cái không đâu, thỉnh thoảng thức giấc nửa đêm, ôn lại chuyện xưa, nhớ đến vài thằng bạn đã về bên kia thế giới, chuyện hôm qua, hôm nay, ngày mai xoay đều đều như cái đèn cù.
          Cái đèn cù thời gian lại một lần nữa kéo tôi về chốn cũ, đó là thành phố Tampa, nơi tôi đã từng sinh sống trước đây 18 năm. Số là cô gái út nhà tôi thích bộ môn hát hợp xướng và tham gia vào ban hợp xướng tiểu bang của trường trung học địa phương Avalon.  Mỗi năm một lần họ tổ chức một buổi sinh hoạt kiểu “chuyên nghiệp”, mời các conductor về tập luyện hai ngày, ngày thứ ba trình diễn trong nhà hát lớn Straz Performing Art Center của thành phố.  Công việc này tôi được bà xã “đặc trao” hai năm rồi, mỗi tuần chở cháu đều đặn đi học hát, đi các buổi trình diễn Noel, trình diễn cuối niên học, lúc thì ở trường, lúc thì ở các nhà thờ.  Ôi thôi mệt bở hơi tai.
          Tôi tới Tampa vào lúc 12 giờ trưa - đúng là giờ cao điểm trong ngày.  Biết là rất khó kiếm được chỗ đậu xe, tôi bỏ cháu xuống trước khách sạn Hilton để cháu tự mình vô ghi danh.  Tôi loay hoay cả gần một tiếng sau mới kiếm được chỗ đậu xe.  Đi bộ ra khỏi bãi đậu xe, vừa đói vừa mệt, tưởng chỉ có mình chịu nạn, ai ngờ nhìn quanh thiên hạ cũng như mình, nhăn nhó than phiền “thành phố gì không friendly tí nào, chắc không dám tới lần sau.”   Cá nhân tôi cũng xả bực dọc với một tiếp viên của khách sạn, “Các ông làm ăn kiểu này năm tới tôi đếch thèm tới Tampa.” Nhưng nói vậy thì oan cho Tampa quá!  Về sau tôi biết thêm cùng ngày có thêm một cái convention nữa, trong chu vi chỉ có vài block mà hôm nay phải tiếp cả chục ngàn người thì dĩ nhiên phải có vài trở ngại.
Uống xong một chai nước Gatorade, tôi cảm thấy thoải mái hơn, tản bộ nhàn nhã trong khuôn viên thương xá Poe, nằm sau lưng khách sạn Hilton.  Giữa những tiếng ồn ào xe cộ và hàng người ngược xuôi, du khách sẽ rất ngạc nhiên khi lạc vào bầu không khí tươi mát ngợp bóng cây xanh.  Ở đây có đầy đủ các quán ăn, uống.   Tôi chọn một cái bàn trong góc, vừa nghỉ mệt vừa ngắm thiên hạ, thấy khu downtown thay đổi quá nhiều với các nhà chọc trời và nhiều con đường một chiều. Từ một thành phố ngủ yên nay hóa thân thành trung tâm hội họp, sầm uất không thua gì Orlando.
William F. Poe Plaza in Downtown Tampa
William F. Poe Plaza - Downtown Tampa
          Trước khi đi Tampa, tôi có liên lạc với thầy Giác Đăng Minh (VH Vũ Quang Minh) hẹn sẽ cùng gặp VH NT Lê Văn Hưởng, vì thế tôi liên lạc với Thầy Minh xác định lại giờ giấc.  Hôm sau tôi đến Chùa Minh Đăng Quang vào đúng ngọ.  Chùa nằm khuất trong một khu yên tịnh, chung quanh có vườn rau và cây cối xum xuê.  Tuy là đầu tháng giêng nhưng trời không lạnh, mát dịu, cái mát làm thèm thuồng những con chim (hay người) xứ tuyết (snow birds).  Thầy Minh bảo tôi đợi ở chánh điện.  Khung cảnh trang nghiêm, tượng Thích Ca sừng sững ở giữa uy nghi, hai bên có cửa sổ rộng, hắt ánh nắng giữa trưa chan hòa, cả khu chánh điện sáng rõ và ấm áp trong màu nắng tươi giữa đông.
          Tôi lại được thêm một cái may mắn là vô tình chứng kiến một sinh hoạt tu hành của các thầy là nghi thức thọ trai.  Vài tiếng đũa bát va chạm, có lẽ các thầy đang dọn cơm.  Sau đó là một bài tụng niệm, tiếng đọc kinh vang đều đều điệu ru.  Các thầy dùng cơm trong yên lặng, thỉnh thoảng mới có câu đối thoại nho nhỏ.  Sau khoảng 20 phút thêm một lần tung niệm nữa.  Tôi đoán chắc là kết thúc thọ trai.  Thầy Minh đứng lên, dọn dẹp, và rửa chén bát.  Chừng ấy công việc, có thể nói là theo thói quen đến tầm thường nếu thoạt nhìn; nhưng quan sát kỹ hơn, ta có thể nhận ra nét thiền trong công việc, các Thầy hành động một cách tuần tự, tự nhiên như việc hít thở, hành động không vì quen thuộc mà thiếu thành khẩn, có ý thức soi dẫn trong mỗi sát na để đưa đến kết cuộc là sự tu hành thủy chung nhất quán của từng giây phút.  Mặc dầu khác tôn giáo, nhưng ngay lúc ấy, tôi liền nhớ về những ngày mài đũng quần ở tu viện, những sinh hoạt hằng ngày, lễ Misa, kinh sáng, kinh tối, ba bữa cơm, đều được báo bằng tiếng chuông.  Những lời tụng niệm ngân nga cũng chẳng khác lời kinh Magnificat trầm bổng theo điệu bình ca Gregorian là bao.  Tôi tự hỏi, thầy Minh đang vui chơi thích thú với thế giới đầy màu sắc, sao bỗng nhiên “chán cảnh phiền ba, mến cảnh chùa”  đến như thế; hay thầy bắt chước Tuệ Sỹ, phóng bút hoa nhưng tâm bất động; hay mô phỏng Phạm Thiên Thư thấy “Như Lai thường trụ trên tà áo xuân.”
          Chúng tôi phải mất khoảng 30 phút mới tới được nhà Bác Hưởng.  Nhà Bác ở ngoại ô, nằm gần biên giới thành phố Lutz, có cư dân nổi tiếng là tướng Norman Schwarzkopf, người hùng chỉ huy chiến trường Vùng Vịnh.  Bỏ lại sau lưng tiếng ồn ào xe cộ, xe chúng tôi rẽ vào khu dân cư, hai bên đường cỏ trồng xanh mướt, được cắt tỉa gọn gàng, cây cối được trồng thêm trên đám cỏ xếp hàng lượn theo mép đường, tạo hẳn một thế giới riêng biệt u nhã.  Hai anh em chúng tôi bấm chuông nhà Bác Hưởng, căn nhà xinh xinh, có một cây phong lớn mặt trước tỏa bóng mát.  Bác Hưởng ra mở cửa và bắt tay chúng tôi, cái bắt tay khỏe mạnh tràn sức sống, tôi không tưởng bác ở tuổi chín mươi.
          Vì được báo trước, bác đã bày sẵn trà mứt để nhấm nháp.  Rất tiếc bác gái nhuốm bệnh từ tuần trước ở Orlando, do thời tiết khá lạnh trước đó, vì vậy, chúng tôi không được may mắn để gặp mặt bác gái. Cả ba bác cháu, ba thế hệ, hai màu tóc (trừ đi Thầy Minh không có tóc) hàn huyên, bàn đủ thứ chuyện, chuyện Việt Nam trước 75, chuyện Thầy Minh đi tu, chuyên Tạo Ân học tiếng Việt như thế nào lúc mới qua Mỹ, chuyện Ông Trump sẽ làm gì sắp tới, chuyện Trung Quốc chiếm Biển Đông, chuyện nhà, chuyện Hội…
          Tôi cũng xin lược sơ vài nét về VH NT Lê Văn Hưởng.  Bác Hưởng là học sinh trường Petrus Ký, sau này là khóa sinh Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Khóa 1, cấp bậc cuối cùng trong Quân Đội là Đại Tá ngành Quân Nhu. Thời gian trong quân đội, bác còn đươc đi du học cả bên Pháp lẫn Hoa Kỳ về chỉ huy và kỹ thuật ngành quân nhu. Tôi, ngoài tình thân thiết trong hội, còn coi bác như nhân chứng sống lịch sử vì bác đã trải qua biết bao thăng trầm của đất nước, nào Tây, Nhật, rồi lại Tây, và cả hai nền đệ nhất và đệ nhị CH.  Tôi rất hãnh diện vì Hội VNTD có một hội viên đặc biệt như Bác Hưởng.   
Tình cờ tôi lại được thêm cái diễm phúc làm quen với cháu Việt Phong, cháu trai của Bác Hưởng.   Theo lời bác Hưởng, cháu đàn cho chúng tôi bài Moon Light Sonata của Bethoven.  Trong cái không khí êm ả buổi trưa, tiếng đàn piano rót từng nốt ngọt bao trùm không gian.  Tôi nhìn thấy nét mặt hân hoan của Bác Hưởng và sự chăm chú vào cung trầm bổng của Thầy Minh.  Riêng tôi, những nốt nhạc chậm rãi như thế có khả nămg kéo thời gian ngừng lại, tôi thấy được cả bốn thế hệ hội tụ và chia sẻ khoảng không gian huyền hoạc đầy thú vị.
          Sau mấy tuần trà, tôi rất tiếc phải cáo từ ra về vì tới giờ phải xuống down town đón cháu gái.  Tôi chở thầy Minh về lại chùa, bắt tay từ giã, bóng Thầy Minh đi khuất vào chùa trong ánh nắng trắng.  Tuy không hẹn nhưng trong thâm tâm cả ba chúng tôi đều nhủ thầm sẽ cố gắng gặp nhau lại lần nữa.
Ta
Orlando
02/02/17

         

No comments:

Post a Comment